Tuesday, July 6, 2010

Những Lợi Ích Gì Mà Đạo Phật Có Thể Đem Lại Cho Loài Người?


Bài Pháp hôm nay là về đề tài "Những Lợi Ích Gì Mà Đạo Phật Có Thể Đem Lại Cho Loài Người?". Tại sao lại chọn chủ đề này? Đó là sự quan tâm của mỗi con người; mọi người muốn hạnh phúc, không muốn sầu muộn. Nhưng có phải tất cả quý vị được hạnh phúc?
Một lần nọ, có người hỏi Đức Phật tại sao mọi người mong ước được hạnh phúc, nhưng hầu hết mọi người không được hạnh phúc? Đức Phật trả lời rằng đó là bởi vì tính đố kỵ và bủn xỉn.
Như vậy, sở hữu các phiền não này, nhiều người tầm cầu chỉ cho hạnh phúc của chính họ, bỏ qua lợi ích của kẻ khác, thậm chí tiến đến mức độ gây tai hại cho người khác. Tuy nhiên, tầm cầu hạnh phúc theo cách sai trái chỉ đem lại một chút vui sướng nhưng nhiều khổ đau. Điều tồi tệ nhất là họ không nhận biết rằng là họ sai, vì họ không thể phân biệt được cái gì là thiện và cái gì là bất thiện. Quý vị có thể nghĩ rằng điều này không đúng và chấp thủ rằng một người bình thường có thể phân biệt được cái gì là thiện và cái gì là bất thiện.
Về điều này, hãy để tôi hỏi quý vị một vài câu hỏi. Vào buổi sáng, khi quý vị cầm một tờ báo và đọc, tờ báo dạy quý vị điều gì? Vào buổi tối, sau khi đi làm về và ăn tối, quý vị ngồi xem TV, và TV dạy quý vị điều gì vào lúc đó? Cả hai dạy quý vị tăng trưởng lòng tham, giới thiệu rằng có nhiều loại thú vui dục lạc là hạnh phúc thật sự. Hơn nữa, chúng chỉ cho quý vị phương cách bạo lực. Tóm lại, hầu hết các nội dung của báo chí và TV đầy ắp các lời dạy làm tăng trưởng tham ái, sân hận, và si mê. Và dưới tác động đầy sức mạnh của chúng, nhiều người được dẫn dắt trên con đường sai trái. Nhưng thật khó để nói rằng các khuyết điểm chỉ dựa trên truyền thông đại chúng, vì nó chỉ cung cấp cái người ta cần và cái người ta nghĩ là tốt. Tuy nhiên, bất kể nó có tốt hay không, nó không phụ thuộc vào cách quý vị nghĩ. Chúng ta có thể biết được điều này từ nhiều bài Kinh của Đức Phật.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh có dạy: Một lần nọ, một người quản lý kịch trường kiêm diễn viên tên là Talaputa đi đến gặp Đức Phật. Ông ta nói rằng các vị thầy tiền bối đã nói với ông ta rằng một diễn viên, qua việc làm mọi người cười vui vẻ bằng cách sáng tác và trình diễn các câu chuyện hư cấu sẽ, sau khi chết được tái sanh cộng trú với các chư thiên hay cười. Và ông ấy hỏi ý kiến của Đức Phật về vấn đề này. Đức Phật bảo ông ta là không nên hỏi câu hỏi ấy. Tuy nhiên, người quản lý kịch trường vẫn cứ khăng khăng và 3 lần hỏi câu hỏi ấy. Lúc đó Đức Phật nói rằng người diễn viên sẽ, nếu nghiệp ấy chín muồi, sẽ bị tái sanh vào địa ngục hỷ tiếu. Lý do là người diễn viên đem lại hạnh phúc cấu uế và ô nhiễm đến nhiều người, và làm sự tham ái, sân hận và si mê tăng thịnh.
Như vậy, một trong các lợi ích mà Đạo Phật đem đến cho nhân gian là trí tuệ biết được cái gì là thiện và cái gì là bất thiện. Đây là một loại chánh kiến vốn là nhân tố rất quan trọng cho sự lợi lạc của quý vị cũng như những người khác, vì chỉ khi quý vị có chánh kiến, quý vị sẽ biết được cách đi trên con đường chánh. Ví dụ, sau khi nghe lời dạy của Đức Phật, người quản lý kịch trường Talaputa từ bỏ sự nghiệp diễn viên của mình và trở thành một Tỷ-kheo. Sau đó, ông ta thực hành thiền và không bao lâu sau, ông chứng quả Arahant. Ngược lại, người nào không có chánh kiến sẽ có thể làm bất kỳ cái gì mà người đó thích, như là say mê theo các dục lạc, tham muốn tên tuổi và danh tiếng, uống chất say, cờ bạc. Những điều này sẽ đem khổ đau đến cho người đó trong một thời gian dài. Mặt khác, một người có chánh kiến sẽ có thể tiến hành các thiện sự, như là bố thí, giữ giới, vun trồng tâm từ và tâm bi, và thanh tịnh tâm bằng cách hành thiền. Những điều này sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho người đó.
Trong Kinh Pháp Cú câu 316 và 317, Đức Phật dạy:
316. "Không đáng hổ, lại hổ.
Việc đáng hổ, lại không.
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú."
317. "Không đáng sợ, lại sợ,
Ðáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến.
Chúng sanh đi ác thú."
Những lời này của Đức Phật là một phản ánh thực tế của thời hiện đại. Ví dụ, nhiều người nghèo xấu hổ vì sự nghèo của mình, và nhiều người giàu thì rất tự hào về sự giàu sang của mình; người không xinh đẹp xấu hổ vì sự xấu xí của mình và người đẹp thì rất tự hào về sắc đẹp của mình. Nhưng tiền bạc và sắc đẹp có phải là thước đo cho cái đáng hổ thẹn và cái không đáng hổ thẹn hay không? Chắc chắn là không. Trong cả hai trường hợp này, nếu một người có giới hạnh thì chẳng có gì đáng phải xấu hổ, nhưng nếu một người vô đạo đức, thậm chí ông ta rất giàu có và đẹp trai, thì cũng chẳng có gì đáng tự hào. Biết được điều này, quý vị nên thường xuyên kiểm tra xem việc mà quý vị định làm là thiện hay bất thiện. Và qua đó chỉ làm các việc thiện, quý vị trở nên vô hại với các chúng sanh khác; đây là một hình thức cho tặng sự không sợ hãi. Hơn nữa, chính quý vị cũng sẽ gặt hái được các lợi ích từ các thiện nghiệp của mình.
Ở đây, tôi sẽ cho quý vị một bản tóm tắt của Kinh Hiền Ngu (Bālapandita Sutta), bài Pháp về Kẻ Ngu và Người Trí, để chỉ ra cách mà một kẻ ngu tự làm hại chính mình và cách mà một người trí nâng cao tâm mình. Trong Kinh, Đức Phật dạy các Tỷ-kheo như sau:
"Này các Tỷ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh. Này các Tỷ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: "Người này là người ngu, không phải là Chân nhân"? Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: "Người này là người ngu, không phải là Chân nhân".
Sau đó, Đức Phật dạy các Tỷ-kheo rằng một kẻ ngu, là người sát hại chúng sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói lời nói dối và say mê trong rượu, chất say sẽ cảm thọ khổ và ưu ở đây và bây giờ theo ba cách: Trước tiên, khi thấy người khác người khác đang bàn luận, hắn sẽ nghĩ rằng họ đang nói về các hành động tội lỗi của hắn. Thứ hai, khi kẻ ngu thấy một tên tội phạm đang bị nhà vua trừng phạt và có nhiều loại hình tra tấn với tên ấy, hắn, là kẻ làm cùng một loại tội ác, sẽ bị khiếp đảm. Thứ ba, khi hắn nghỉ ngơi trên ghế, giường, hay trên đất, các hành động tội lỗi mà hắn đã làm trong quá khứ treo nằm, treo áp, treo đè lên người hắn. Lúc ấy kẻ ngu nghĩ rằng: "Thật sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi. Do không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta phải đi"
Sau đó Đức Phật dạy:
"Kẻ ngu kia sau khi làm thân ác hành, sau khi làm khẩu ác hành, sau khi làm ý ác hành, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục."
"Nếu có ai nói một cách đúng đắn về người ấy, phải nói rằng người ấy hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về Ðịa ngục, phải nói rằng Ðịa ngục, hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý. Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, cho đến một ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều là sự đau khổ của Ðịa ngục."
Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho con một ví dụ được không?"
"-- Có thể được, này Tỷ-kheo. Ví như, này Tỷ-kheo, có người bắt được một tên trộm cắp, dẫn đến trước mặt vua và thưa: "Tâu Ðại vương, đây là một tên trộm cướp phạm tội cho Ngài! Hãy hình phạt nó như Ðại vương muốn". Và vị vua ấy nói như sau về tên trộm cướp ấy: "Này các Ông, hãy đi và vào buổi sáng hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi sáng, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Rồi đến trưa, vua nói như sau: "Này các Ông, người ấy ra sao?" -- "Tâu Ðại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về tên trộm cướp ấy: "Này các Ông, hãy đi và vào buổi trưa, hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi trưa, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Rồi đến chiều, vua nói như sau: "Này các Ông, người ấy ra sao?" -- "Tâu Ðại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về người kia: "Này các Ông, hãy đi và vào buổi chiều, hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi chiều, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Này các Tỷ-kheo, Ông nghĩ thế nào? Người ấy bị đâm ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy, có cảm thọ khổ ưu không?"
"Bạch Thế Tôn, chỉ bị ngọn giáo đâm một lần, người kia do nhân duyên ấy cũng cảm thấy khổ ưu, còn nói gì đến ba trăm ngọn giáo!"
Rồi Thế Tôn lượm lên một hòn đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo:"Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Cái gì lớn hơn, hòn đá này, to bằng bàn tay do ta lượm lên, hay núi Tuyết Sơn (Himalaya), vua các loại núi?"
"Thật là quá nhỏ, bạch Thế Tôn, hòn đá này lớn bằng bàn tay do Thế Tôn lượm lên. So sánh với Tuyết Sơn vua các loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần ngàn vạn lần (của núi Tuyết), không thể so sánh được!"
"Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy bị đâm bởi ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy cảm thọ khổ ưu. Khổ ưu ấy so sánh với khổ ưu ở Ðịa ngục không đáng kể gì, không bằng một phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được."
"Này các Tỷ-kheo, các người giữ địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc (pancavidhabandhanam). Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ."
"Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ."
"Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ."
"Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới chạy lui trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ."
"Rồi này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục đẩy người ấy lên kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ."
"Rồi này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, ở đây bị nấu với vạc nước sôi sùng sục; khi thì nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ."
"Rồi này các Tỷ-kheo, những người giữ Ðịa ngục quăng người ấy vào Ðại địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ðại địa ngục ấy, có bốn góc, bốn cửa, chia thành phần bằng nhau; xung quanh có tường sắt; mái sắt lợp lên trên. Nền Ðịa ngục bằng sắt nung đỏ, cháy đỏ rực; đứng thẳng, luôn có mặt, rộng một trăm do tuần."
"Này các Tỷ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về Ðịa ngục, nhưng thật khó nói cho được đầy đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở Ðịa ngục quá nhiều."
Tôi trích dẫn những lời dạy này của Đức Phật không phải để làm quý vị sợ hãi, mà để chỉ ra sự thật, nhờ đó mà quý vị biết làm thế nào để tránh rơi vào khổ cảnh như vậy.
Trong bài kinh ấy Đức Phật đã cho một ví dụ để diễn tả sự lâu dài mà một kẻ ngu phải chịu trong những khổ cảnh. Ở đấy Người dạy:
"Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc cây có một cái lỗ trên biển, một ngọn gió từ phương Ðông thổi nó trôi qua phía tây; một ngọn gió từ phương Tây thổi nó trôi qua phía đông; một ngọn gió từ phương Bắc thổi nó trôi qua phía nam; một ngọn gió từ phương Nam thổi nó trôi qua phía bắc. Rồi có một con rùa mù, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Con rùa mù ấy có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây này được không?"
"Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài."
"Còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy, này các Tỷ-kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ-kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu."
"Và này các Tỷ-kheo, nếu người ngu ấy sau một thời gian rất lâu dài, có được làm người trở lại, thời người ấy sẽ sanh trong gia đình thấp hèn, trong gia đình hạ cấp, trong gia đình kẻ đi săn, trong gia đình kẻ đan tre, trong gia đình người làm xe, hay trong gia đình người đổ phân, trong những gia đình nghèo khốn, không đủ để uống hay để ăn, cho đến miếng vải che lưng cũng khó tìm được. Lại nữa, người ấy thô xấu, khó nhìn, lùn thấp, hay bệnh, mù hay có tật, què hay bị bại, người ấy không có thể được các đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng. Người ấy hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; vì hành thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; sau khi thân hoại mạng chung, sinh ra trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Ðịa ngục."
"Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đánh bạc, trong canh đổ bạc đầu tiên, mất con, mất vợ, mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Nhưng này các Tỷ-kheo, còn nhỏ bé canh đổ bạc ấy, do canh đổ bạc đầu tiên này, người ấy mất con, mất vợ, mất tất cả tài sản, lại cuối cùng phải tù tội. Và canh bạc này to lớn hơn, với canh bạc ấy, người ngu, do thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, Ðịa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây là địa xứ hoàn toàn viên mãn của kẻ ngu."
Vì vậy địa ngục chính là ngôi nhà thật sự của kẻ ngu, và chỉ sau môt thời gian dài trong địa ngục họ mới có được một kì nghỉ ngắn ngủi ở cõi người. Và sau kì nghỉ ngắn ngủi ấy, kẻ ấy lại quay trở về địa ngục. Đó là vì sao Đức Phật nói rằng thật khó để được sinh làm người. Tuy nhiên nhiều người không thật sự trân trọng khi được là người. Khi bị vào cảnh khổ, họ cảm thấy hối tiếc rằng đã không sử dụng hợp lý cuộc đời làm người, nhưng khi ấy đã quá trễ.
Sau khi chịu khổ trong đại địa ngục một thời gian dài, kẻ ngu sẽ được tái sanh trong một địa ngục nhỏ hơn. Sau khi chịu khổ trong một thời gian dài ở đó, kẻ ấy sẽ được tái sanh trong một địa ngục nhỏ hơn khác. Sau khi chịu khổ trong một thời gian dài ở các địa ngục khác nhau, hắn sẽ được tái sanh vào cõi ngạ quỷ. Một lần nữa hắn phải chịu khổ đau trong một thời gian dài ở đó, và sau đó hắn sẽ được tái sanh ở cõi súc sanh. Trong kiếp súc sanh, việc ăn thịt lẫn nhau và sự tàn sát kẻ yếu xảy ra, và kẻ ấy sẽ tạo ra rất nhiều ác nghiệp. Sau khi chết kẻ ấy lại bị tái sanh vào địa ngục. Sau khi trải qua vòng luẩn quẩn ấy nhiều lần, kẻ ấy có thể tái sanh làm người. Nhưng một lần nữa hắn lại tạo nhiều ác nghiệp, và sau khi chết hắn lại tái sanh vào địa ngục. Vì vậy chúng ta có thể gọi người ngu là cư dân thường trú của địa ngục.
Từ đây chúng ta có thể thấy một kẻ ngu không có chánh kiến sẽ phạm những ác hạnh về thân khẩu ý sẽ tự hủy hoại mình như thế nào. Vì vậy thật là quan trọng khi chúng ta có thể phân biệt giữa thiện và ác, và có thể hành động theo điều thiện, vì vậy ta có thể tăng cường lợi ích của bản thân cũng như của những người khác. Trong khi Đạo Phật cho quý vị thấy sự nguy hiểm của bất thiện nghiệp, thì Giáo Pháp cũng cho ta thấy lợi ích của những thiện nghiệp. Đây chính là lợi ích thật sự mà khoa học hiện đại không thể mang lại. Hơn nữa, Đạo Phật có thể mang lại lợi lạc cho loài người không chỉ trong kiếp này, mà còn trong nhiều kiếp kế tiếp, như Đức Phật đã giảng trong Kinh Hiền Ngu (Bālapandita Sutta):
"Này các Tỷ-kheo, kẻ trí kia sau khi làm thân thiện hành, sau khi làm khẩu thiện hành, sau khi làm ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra trong thiện thú, Thiên giới, cõi đời này."
Và trong bài kinh ấy, Đức Phật còn dạy thêm rằng:
"Người có trí ấy, nếu sau một thời gian rất lâu dài, được sinh làm người, người ấy sẽ sinh ra trong một gia đình cao quí Sát-đế-lỵ đại gia, hay Bà-la-môn đại gia, hay Cư sĩ đại gia giàu có, tài sản nhiều, tài nguyên nhiều, vàng và bạc phong phú, tài vật phong phú, lúa thóc phong phú. Hơn nữa, vị ấy đẹp trai, khả ái, dễ thương, đầy đủ dung sắc tối thượng. Vị ấy nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, giường nằm, chỗ trú xứ và ánh sáng. Vị ấy sống với thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành. Sống với thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới."
"Ví như, này các Tỷ-kheo, một người đánh bạc, chính trong canh bạc thứ nhất (đổ xúc sắc) được tiền bạc rất nhiều. Thật là quá nhỏ, này các Tỷ-kheo, là canh bạc ấy, nhờ canh bạc đầu tiên này, người đánh bạc ấy được tiền bạc rất nhiều. Lớn hơn canh bạc ấy là canh bạc, nhờ đó, người trí sau khi hành thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, sau khi thân hoại mạng chung, sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, đây là địa vức hoàn toàn viên mãn của bậc có trí."
Đây chính là những gì Bậc Toàn Giác đã thuyết giảng. Các vị Tỳ-kheo đã hài lòng và hoan hỷ với lời dạy ấy của Đức Phật. Và các vị thính Pháp đáng mến, quý vị có hài lòng và hoan hỷ với lời dạy này của Đức Phật hay không?
Nếu quý vị thật sự muốn được giác ngộ, quý vị phải sống đúng theo những gì Đức Phật dạy, và chỉ sau đó quý vị mới có thể có được lợi lạc từ lời dạy của Thế Tôn và được giác ngộ. Tuy nhiên, mặc dù hầu hết các Phật tử đều biết rõ quy luật tự nhiên của Nghiệp và Quả của nghiệp trong đầu mình, nhưng họ lại không ghi nhớ trong tim mình; họ tin vào điều đó, nhưng không thực hành theo. Kẻ ngu sẽ chỉ cầu nguyện rằng không có quả xấu từ nghiệp xấu, và có quả lành tức thì mà không cần phải làm thiện nghiệp. Nhưng quy luật tự nhiên về nghiệp và quả của nghiệp không quan tâm là bạn có tin hay không tin nó, thích hay không thích nó; nó vẫn cứ vận hành theo quy luật của nó: nếu làm thiện thì có quả lành, nếu làm ác thì có quả dữ. Như vậy, quả mà ta gặt lấy phụ thuộc vào cái mà chúng ta làm chứ không phải dựa vào sự cầu khấn may rủi.
Người Phật tử luôn nói về lòng từ bi, nhưng nói không chưa đủ mà cần phải thực hiện bằng hành động cụ thể. Thực hành bố thí khôn ngoan với một tâm từ. Họ phải giữ ít nhất năm giới trong sạch. Nếu một người không giữ được năm giới căn bản mà sát sanh, trộm cắp, tà dâm và tiếp tục làm theo ý mình thích, thì cái đó có gọi là tâm bi hay không? Chắc chắn là không. Làm sao mà một người có tâm bi lại đi sát sanh? Người ấy chẳng những không biết yêu thương chúng sanh khác như thế mà còn chẳng biết yêu thương chính mình. Về phần này, chúng ta có thể hiểu thêm từ Tương Ưng Kosala của Tương Ưng Bộ Kinh.
Một lần nọ vua Ba-tư-nặc thưa với Đức Phật rằng "Bạch Đức Thế Tôn, khi con ở một mình, lui vào nơi thanh vắng, một suy nghĩ bỗng khởi lên, "Ai là người biết yêu thương bản thân mình, còn ai thì không?" Và rồi, Bạch Đức Thế Tôn, con lại nghĩ, "Những người mà thực hành Thân, Khẩu, Ý bất thiện là những người không biết yêu thương bản thân mình. Ngay cả khi họ nói "Tôi yêu bản thân tôi", nhưng họ lại không yêu thương bản thân mình. Tại sao vậy? Bởi vì họ đã làm những điều mà kẻ thù sẽ làm với họ. Đó là lý do tại sao họ lại không yêu thương chính mình."
Mặt khác, những người mà biết thực hành Thân, Khẩu, Ý trong sạch là những người biết yêu thương bản thân mình. Ngay cả khi họ nói, "Tôi không yêu bản thân tôi", nhưng là người rất yêu thương bản thân mình. Tại sao vậy? Bởi vì họ đã làm những điều mà những người bạn sẽ làm với họ.
Để trả lời đức vua, Đức Phật đã nói thế này: "Đúng là vậy, đúng là vậy đó. Những gì ông nói Như Lai sẽ lặp lại và xác nhận điều đó."
Thực vậy, nếu người nào thực sự biết yêu thương bản thân mình, thì người đó luôn hành động đúng theo những gì Đức Phật đã công nhận, và với những gì Đức Phật đã giảng trong Pháp Cú số 157:
157. "Nếu biết yêu tự ngã,
Phải khéo bảo vệ mình,
Người trí trong ba canh,
Phải luôn luôn tỉnh thức."
Ở đây ba canh nghĩa là ba giai đoạn của cuộc đời.
Nếu như chúng ta muốn lợi ích cho mình thì ta nên làm điều thiện, và ta muốn tốt cho người khác thì ta cũng làm y như vậy. Chúng ta cần phải thực hành rộng lượng, bố thí cho người khác những gì họ cần. Bằng cách này, quý vị làm lợi lạc cả cho mình và cho người. Lợi ích gì mà chúng ta có thể gặt hái được từ việc bố thí? Trong Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (Culakammavibhavga Sutta) của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), Đức Phật dạy:
"Ở đây, này Thanh niên, có người đàn ông hay người đàn bà, bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được giàu có."
Tuy nhiên, Đức Phật nói rằng chỉ có sự bố thí của người có giới hạnh trong sạch mới có thể được mãn nguyện. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải giữ gìn năm giới trong sạch. Hơn nữa, nếu chúng ta giữ năm giới cơ bản thì chúng ta sẽ gặt hái được quả lành tương ứng. Giữ gìn giới thứ nhất không sát sanh là một ví dụ, Đức Phật đã giảng trong bài kinh Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (Culakammavibhanga Sutta) như sau:
"Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ."
Giờ đây, chúng ta có thể hoài nghi việc có hay không kiếp sống vị lai. Điều đó, chúng ta cần quán xét khôn ngoan. Nếu không có kiếp sau thì làm điều tốt đẹp vẫn tạo ra lợi lạc trong kiếp hiện tại của quý vị, như là sống với tâm an bình, có tiếng tốt, được người có trí tán dương, sống không ăn năn, không hối hận... Nhưng nếu có kiếp sống tương lai, quý vị sẽ hạnh phúc hơn trong kiếp tương lai. Như những gì Đức Phật đã giảng trong Kinh Pháp Cú câu số 16:
16. "Nay vui, đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui.
Người ấy vui, an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm."
Ngược lại, thậm chí nếu không có kiếp tương lai, làm việc ác sẽ vẫn cho chính quý vị khổ đau ngay trong kiếp hiện tại này, như là sống với tâm bất an, có tiếng xấu, bị người có trí chỉ trích, có tâm luôn hối hận... Và nếu có kiếp sống tương lai, quý vị sẽ bị nhiều khổ đau hơn nữa ở kiếp sống tương lai. Như những gì Đức Phật đã giảng trong Kinh Pháp Cú câu số 17:
17. "Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than,
than rằng: "Ta làm ác"
Ðọa cõi dữ, than hơn."
Suy xét điều này, quý vị chỉ nên làm điều thiện mà thôi, bằng cách này quý vị sẽ không bị tổn hại trong kiếp sống này và các kiếp tương lai.
Từ buổi thuyết pháp hôm nay, tôi hy vọng rằng quý vị biết được Đạo Phật có thể đem lại lợi lạc cho con người như thế nào. Đó là: (1) trí tuệ về giới hạnh và sự phát triển tâm linh thù thắng hơn sự phát triển vật chất do khoa học hiện đại đem lại và (2) quả lành tích lũy được từ sự phát triển tâm linh. Các lợi ích này không phải là các lợi lạc ngắn ngủi giống như mật đường trên lưỡi dao bén ngọt. Quý vị có thể trải nghiệm lợi lạc mà không phải gánh chịu khổ đau về sau. Tuy nhiên, đây không phải là lợi lạc cao thượng nhất mà Đạo Phật có thể đem lại cho loài người.
Trong hai bài giảng kế tiếp, tôi sẽ giảng về lợi lạc cao hơn mà chúng ta có được từ việc thực hành Giáo Pháp và trước khi tôi dừng bài Pháp hôm nay, tôi xin tụng đọc một câu kệ từ Kinh Pháp Cú:
165. "Tự mình, làm điều ác,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!"
Điều này có nghĩa là nếu quý vị muốn có cuộc sống tốt hơn và nâng cao tâm mình, chính quý vị phải nỗ lực vun trồng sự thanh tịnh; những kẻ khác không thể làm điều đó cho quý vị được.
Cầu chúc quý vị gặt hái được lợi lạc từ Lời Dạy của Đức Phật.


No comments: