Sunday, July 18, 2010

Kiên Trì Với Sự Tầm Cầu Bậc Thánh

Hãy để tôi bắt đầu nói chuyện ngày hôm nay với một bài kinh từ Nikaya Aṅguttara gọi là Gavesī, Người Tầm Cầu:

Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo.

Trong khi đang đi trên đường, Thế Tôn thấy một chỗ có khóm rừng cây sāla to lớn; thấy vậy, Ngài bước xuống đường, đi đến khóm rừng cây sāla ấy, đi sâu vào rừng sāla ấy, và tại một địa điểm, Ngài mỉm cười.

Rồi Tôn giả Ānanda suy nghĩ: "Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn tỏ lộ mỉm cười? Không phải không có duyên cớ, các Như Lai tỏ lộ mỉm cười". Rồi Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

(Lúc đó, Đức Phật giải thích:)

Thuở xưa, này Ānanda, tại địa điểm này, có một thành phố phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Tại thành phố ấy, này Ānanda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở gần đây. Này Ānanda, Gavesī là một nam cư sĩ của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nhưng không giữ giới. ”

Rồi này Ānanda, có khoảng 500 nam cư sĩ được cư sĩ Gavesī thuyết pháp và khích lệ, các người này giữ giới luật không được viên mãn. Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ rất nhiều 500 vị nam cư sĩ này. Ta đi trước, ta khích lệ họ, nhưng ta không giữ giới. Như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn". Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī đi đến 500 nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 nam cư sĩ ấy như sau: "Này các Tôn giả, bắt đầu từ hôm nay, ta sẽ thọ trì viên mãn các giới luật.”

Rồi này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tôn giả Gavesī đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước, đã khích lệ chúng ta. Tôn giả Gavesī sẽ gìn giữ viên mãn các giới luật. Tại sao chúng ta lại không như vậy?". Rồi này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến nam cư sĩ Gavesī; sau khi đến, nói với nam cư sĩ Gàvesi: "Bắt đầu từ hôm nay, thưa Tôn giả Gavesī, chúng tôi sẽ thọ trì viên mãn các giới luật".”

Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ rất nhiều cho 500 nam cư sĩ này, ta đi trước, ta khích lệ họ. Và năm trăm nam cư sĩ này gìn giữ viên mãn các giới luật, như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn". Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī đi đến 500 nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 vị nam cư sĩ ấy như sau: "Bắt đầu từ ngày hôm nay, này các Tôn giả, ta sẽ thọ trì Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt".

Rồi này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tôn giả Gavesī giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Và Tôn giả Gavesī sẽ hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Tại sao chúng ta lại không như vậy?". Rồi này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến nam cư sĩ Gavesī; sau khi đến, nói với nam cư sĩ Gàvesi: "Bắt đầu tư hôm nay, thưa Tôn giả Gavesī, chúng tôi sẽ thọ trì Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ".”

Rồi nam cư sĩ Gavesī suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ rất nhiều cho 500 nam cư sĩ này, ta đi trước, ta khích lệ họ. Ta giữ gìn viên mãn trong các giới luật, 500 nam cư sĩ này giữ gìn viên mãn trong các giới luật. Và ta hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Và 500 nam cư sĩ này hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hạ liệt. Như vậy là đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn". Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī đi đến 500 nam cư sĩ ấy; sau khi đến, nói với 500 vị nam cư sĩ ấy như sau: "Bắt đầu từ ngày hôm nay, này các Tôn giả, ta sẽ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời".

Rồi này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tôn giả Gavesī giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Tôn giả Gavesī sẽ ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ phi thời. Tại sao chúng ta lại không như vậy?". Rồi này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến nam cư sĩ Gavesī; sau khi đến, nói với nam cư sĩ Gàvesi: "Bắt đầu tư hôm nay, thưa Tôn giả Gavesī, 500 nam cư sĩ này sẽ thọ trì ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời".”

Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī suy nghĩ như sau: "Ta giúp đỡ cho 500 nam cư sĩ này rất nhiều. Ta đã đi trước và khích lệ họ. Nay ta giữ gìn viên mãn trong các giới luật, 500 nam cư sĩ này giữ gìn viên mãn trong các giới luật. Ta hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ, 500 nam cư sĩ này hành Phạm hạnh, sống viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Ta ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. 500 nam cư sĩ này cũng ăn mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời. Như vậy là có sự đồng đẳng giống nhau, không có gì trội hơn, nhiều hơn. Vậy ta hãy làm cái gì trội hơn, nhiều hơn".

Rồi này Ānanda, Tôn giả Gavesī đi đến Thế Tôn Kassapa; bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi đến, bạch với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: “Bạch Thế Tôn, xin cho con xuất gia với Thế Tôn, xin cho con thọ đại giới.” Rồi này Ānanda, nam cư sĩ Gavesī được xuất gia với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được thọ đại giới.

Này Ānanda, Tỷ-kheo Gavesī sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị này ngay trong hiện tại tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú. Và vị ấy xác chứng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các điều nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

Từ lúc đó, này Ānanda, Tỷ-kheo Gavesi là một trong số các vị Arahant.

Và này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy suy nghĩ như sau: "Tỷ-kheo Gavesī giúp đỡ chúng ta rất nhiều, đã đi trước và khích lệ chúng ta. Nay Tôn giả Gavesī đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tại sao chúng ta lại không như vậy?" Rồi này Ānanda, 500 nam cư sĩ ấy đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sau khi đến, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác: “Bạch Thế Tôn, xin cho chúng con xuất gia với Thế Tôn, xin cho chúng con thọ đại giới”. Và này Ānanda, năm trăm nam cư sĩ ấy được xuất gia với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, được thọ đại giới.

Rồi này Ānanda, Tỷ-kheo Gavesī suy nghĩ như sau: "Ta đã chứng được vô thượng giải thoát này không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức. Mong rằng 500 vị Tỷ-kheo ấy có thể chứng minh được vô thượng giải thoát này không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức".

Rồi này Ānanda, 500 vị Tỷ-kheo ấy sống an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, không bao lâu, các vị ấy chứng được mục đích tối cao mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, các vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú. Và các vị ấy xác chứng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

Như vậy, này Ānanda, 500 vị Tỷ-kheo ấy, do Gavesī cầm đầu, trong khi tinh tấn đạt đến những gì cao hơn nữa, những gì tối thắng hơn nữa, đã chứng ngộ vô thượng giải thoát. Do vậy, này Ānanda, cần phải học tập như sau:

Hãy tinh tấn để đạt đến những gì cao hơn nữa, tối thắng hơn nữa, chúng ta sẽ chứng ngộ vô thượng giải thoát

Giờ đây, quý vị cũng nên lắng nghe lời dạy của Đức Phật, hành thiền và nỗ lực cho các giai đoạn thanh tịnh ngày càng cao hơn. Nếu quý vị có thể thực hiện được các tiến bộ to lớn dễ dàng trong việc hành thiền, quý vị không nên ngã mạn và dừng lại trong chốc lát mục tiêu tầm cầu bậc thánh, vì nó mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Mặt khác, nếu quý vị không thể thực hiện các tiến bộ to lớn trong việc hành thiền, quý vị cũng không nên thất vọng. Tiến bộ trong hành thiền nhanh hay chậm là tùy thuộc vào ba-la-mật quá khứ của hành giả, sự chín mùi của các căn và nỗ lực hiện tại. Quý vị nên nhớ rằng thiền không phải là một cuộc tranh đua và không nên tranh đua giữa chính quý vị. Nghĩ rằng pháp hành của quý vị thì thù thắng hơn người khác là ngã mạn, nghĩ rằng pháp hành của quý vị thì ngang bằng với người khác cũng là ngã mạn, nghĩ rằng pháp hành của quý vị thì thấp kém hơn người khác cũng là ngã mạn. Trong việc hành thiền chỉ có chính quý vị làm thanh tịnh giới, tâm và kiến là quan trọng. Với điều kiện quý vị hết sức chân thành thực hành thiền thì quý vị đang tiến bộ theo cách nhanh nhất mà quý vị có thể làm được.

Khi quý vị hành thiền, quý vị nên thiền với tâm không chấp thủ. Nếu quý vị thực hành tam học Giới, Định và Tuệ vốn dẫn đến sự không chấp thủ, sự tan ảo tưởng và sự giải thoát bằng một tâm tràn đầy chấp thủ, thời lúc đó quý vị không thể thành tựu được mục tiêu bậc thánh. Ngược lại, quý vị càng thực hành, quý vị càng tiến đến mục tiêu. Vì vậy, trách nhiệm của quý vị chỉ là thực hành bằng toàn bộ nhiệt huyết với sự kính trọng tột cùng đối với Pháp Bảo, và để kết quả tự nó đi đến theo đúng luật nhân quả. Điều này được Đức Phật miêu tả trong Tăng Chi Bộ Kinh:

Này các Tỷ-kheo, có ba việc cấp thiết này, người nông phu gia chủ cần phải làm. Thế nào là ba?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người nông phu gia chủ mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng, sau khi mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng, liền mau lẹ gieo hạt giống, sau khi mau lẹ gieo hạt giống, liền mau lẹ cho nước vô, cho nước ra. Này các Tỷ-kheo, đây là ba việc cấp thiết mà người nông phu gia chủ cần phải làm.

Người nông phu gia chủ ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): "Hôm nay lúa của ta được mọc lên, ngày mai chúng sẽ trổ hạt, ngày kế tiếp chúng sẽ chín". Không, chính do mùa vụ làm điều này.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba công việc cấp thiết này Tỷ-kheo cần phải làm. Thế nào là ba? Chấp hành tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng định học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Ba công việc cấp thiết này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm.

Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): "Hôm nay, tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ, ngày mai cũng vậy, ngày kế tiếp cũng vậy". Không, do đúng thời mà tâm vị ấy được giải thoát, vì vị ấy đã tu tập qua tam học này.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tam học". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

Lại nữa, trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng có bốn loại tiến bộ, đó là, hành nan đắc trì (tu tập khó khăn mà đắc chậm), hành nan đắc cấp (tu tập khó khăn mà đắc nhanh), hành dị đắc trì (tu tập dễ mà đắc chậm) và hành dị đắc cấp (tu tập dễ mà đắc nhanh). Tuy nhiên nếu quý vị là người hành nan đắc trì thì quý vị không nên chán nản vì quý vị vẫn đang tiến bộ. Một điều tồi tệ hơn việc chậm tiến bộ là không thích thú trong việc hành thiền, vì một người không hành thiền sẽ không có chút tiến bộ nào.

Quý vị có nghĩ rằng ngoài tam học Giới, Định và Tuệ được Đức Phật giảng dạy, có còn con đường nào khác có thể dẫn dắt quý vị kết thúc vòng sanh tử luân hồi hay không? Không, không còn con đường nào khác cả. Bởi vì không có hành thiền, người đó sẽ không có được trí tuệ như lời Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú câu 282:

282. "Tu thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng."

Vì Tam học Giới, Định, Tuệ là con đường duy nhất đưa đến sự giải thoát, quý vị không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ hành thiền, hành thiền và hành thiền. Quý vị nên, ngoại trừ lúc ngủ, hành thiền liên tục. Quý vị nên cố gắng chánh niệm nhiều đến mức có thể. Không để bất kỳ một nỗ lực hướng đến nhân lành nào được lãng phí. Nếu quý vị hành thiền trong một giờ với thái độ đúng đắn quý vị đã đạt được một giờ ba-la-mật. Nếu quý vị hành thiền trong một ngày, một tháng, một năm hay hơn nữa, quý vị đã tích lũy ba-la-mật đến cùng mức độ như quý vị đặt nỗ lực tiến lên phía trước. Quý vị càng hành thiền với thái độ đúng đắn, tâm của quý vị sẽ càng thanh tịnh và phiền não của quý vị sẽ dần suy kiệt như lời Đức Phật đã giảng trong Tăng Chi Bộ Kinh:

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ mộc hay đệ tử người thợ mộc, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị ấy không có thể biết được như sau: "Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo chí tâm trong sự tu tập không có biết như sau: "Hôm nay, từng ấy lậu hoặc của ta được hao mòn, hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được các lậu hoặc được hao mòn trên sự hao mòn các lậu hoặc.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển có đầy đủ cột buồm và dây buồm, bị mắc cạn sáu tháng do thiếu nước trong mùa khô; các cột buồm và dây buồm bị gió và mặt trời làm hư hỏng, rồi bị nước mưa đổ xuống trong mùa mưa, chúng trở thành yếu và hư nát.

Vì thế, quý vị không cần phải lo khi nào quý vị sẽ chứng ngộ Niết-bàn. Với điều kiện quý vị tiếp tục đi đúng hướng, chắc chắn quý vị sẽ chứng đắc mục tiêu cao quý của mình vào một ngày tương lai. Hơn nữa, hiểu biết về Tứ Thánh Đế là việc rất xứng đáng để theo đuổi. Tại sao vậy? Quý vị có thể hiểu điều đó từ lời Đức Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh sau:

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người tuổi thọ đến một trăm năm, mạng sống đến một trăm năm. Có người đến nói với người ấy: "Này Ông, vào buổi sáng, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi trưa, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Vào buổi chiều, Ông sẽ bị đâm một trăm cây thương. Này Ông, như vậy mỗi ngày Ông bị đâm ba trăm cây thương, với tuổi thọ đến một trăm năm, với mạng sống đến một trăm năm. Sau một trăm năm, Ông sẽ được giác ngộ bốn Thánh đế trước kia chưa được giác ngộ".

Này các Tỷ-kheo, một thiện nam tử hiểu biết nghĩa lý (atthavasikena) có thể chấp nhận chăng? Vì sao? Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ tập". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ diệt". Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".”

Để minh họa thêm lý do tại sao điều đáng giá là việc thực hành tam học Giới, Định, Tuệ, tôi sẽ trích dẫn một bài Kinh khác từ Tương Ưng Bộ Kinh.

Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anāthapiṇḍika. Rồi Thế Tôn lấy lên một ít bụi trên đầu móng tay rồi gọi các Tỷ-kheo: “Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì nhiều hơn, một ít bụi mà Ta lấy lên trên đầu ngón tay này, hay là quả đất lớn này?

Chính cái này, bạch Thế Tôn, là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này. Ít hơn là một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay; không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần có thể sánh bằng, khi so sánh quả đất lớn với một ít bụi được Thế Tôn lấy lên trên đầu ngón tay.”

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này là nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, đã được diệt tận; ít hơn là khổ còn lại, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, đã được diệt tận, tức bảy lần tái sanh là nhiều nhất.

Như vậy lợi ích lớn thay, này các Tỷ-kheo, là pháp minh kiến; như vậy lợi ích lớn thay là chứng đắc pháp nhãn.

Vì thế, mỗi hành giả nên cố gắng hết sức mình để chứng ngộ ít nhất là đạo và quả Nhập Lưu. Nếu vị ấy thành công trong việc chứng ngộ chúng thì sự tái sanh quý giá là được làm người và cơ hội hiếm có là được nghe Chánh Pháp không bị tiêu phí vô ích. Vị ấy sau đó sẽ không bị tái sanh vào bốn đường ác đạo, đó là, địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và asura và chắc chắn sẽ được chứng ngộ giải thoát tối hậu trong tương lai.

Ngay cả chỉ để đạt được thành công của thế gian, người đó phải làm việc chăm chỉ. Còn nói gì đến sự chứng ngộ siêu thế tột bậc?Chắc chắn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều. Quý vị nên nhớ rằng ngay cả một số vị đại đệ tử của Đức Phật đã phải thực hành rất chuyên cần để chứng đắc sự giải thoát. Ví dụ, Tôn giả Ratthapala đã tu tập mười hai năm mà trong Kinh Ratthapala của Trung Bộ Kinh miêu tả là “chẳng bao lâu”; Tôn Giả Rahula con trai duy nhất của Đức Phật cũng phải nỗ lực mười ba năm trước khi chứng đắc quả vị A-la-hán. Và chúng ta là ai mà thất vọng với việc hành thiền chỉ sau vài ngày hay vài tháng tu tập? Để chứng đạt những lợi ích siêu thế, chúng ta cần phải đặt nỗ lực lớn nhất, như lời Đức Phật dạy trong Phẩm Nidāna của Tương Ưng Bộ Kinh.

Này các Tỷ-kheo, không phải với cái hạ liệt có thể đạt được cái cao thượng. Này các Tỷ-kheo, phải với cái cao thượng mới đạt được cái cao thượng. Ðáng được tán thán, này các Tỷ-kheo, là Phạm hạnh này với sự có mặt của bậc Ðạo Sư. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn lên để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Có vậy, sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải là trống không mà là có kết quả, có thành tích. Và những vật dụng chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh, dầu cho những thứ này là khiêm tốn, đối với chúng ta sẽ là quả rất lớn, có lợi ích rất lớn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập. Này các Tỷ-kheo, thấy được tự lợi là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, khi thấy lợi tha là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, thấy lợi cả hai, là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật.

Như vậy, vì sự lợi ích của bản thân và của những người khác, chúng ta phải tiếp tục phấn đấu cho sự tầm cầu bậc thánh bằng sự kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc cho đến hơi thở cuối cùng.

Bây giờ, hãy để tôi kết thúc bài pháp bằng một câu kệ từ Kinh Pháp Cú:

111. "Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không thiền định.
Không bằng sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định.
"

Cầu mong quý vị sống một cuộc đời có giới hạnh, trí tuệ và tu thiền.



No comments: