Cách đây vài hôm, tôi đã trăn trở để hiểu thấu đáo về cụm từ “Vui Mừng Xuân Mới”. Bắt đầu bằng chữ “Mừng vui”, đó là mục tiêu cuộc sống hằng ngày của con người, là tầm cầu hạnh phúc với những thứ như ngũ trần, của cải vật chất, hay sự tham chấp vào Pháp học và Pháp hành, hoặc hình thức của sự buông bỏ. Và họ đã tầm cầu với cái tâm đói khát (của tâm tham). Tại sao vậy ?- Họ nghĩ rằng những thứ này sẽ mang lại cho họ hạnh phúc và họ đặt niềm vui của mình vào những thứ đó. Có phải vậy không? - Vâng, đúng vậy! Nhưng, sự thực Hạnh Phúc không phải có được từ bốn thứ trên, mà chính là cái biết sử dụng Tác Ý Chân Chánh (Yoniso manasikara) để có được một cái Tâm hoàn thiện, chính chắn trong cuộc sống hàng ngày mới là Chân Hạnh phúc.
Vậy đó là gì ? Tác ý Chân Chánh chính là nhân gần để tạo ra tâm đại thiện. Chỉ có tâm đại thiện mới có thể cho ta hạnh phúc. Hãy xem lời giải thích trong kinh điển đã dạy như sau:
Trong một đổng tốc tâm đại thiện luôn bao gồm các yếu tố :
(Tính chất) Thiện, an lạc
(Chức năng) Phá bỏ các phi đạo đức trong hành xử là nền tảng đầu tiên
(Thể hiện) Sự trong sạch
(Nhân gần) Tác ý chân chánh (DhsA 105)
Cho dù ta đi tìm chân hạnh phúc nơi Pháp và Từ bỏ xả ly chăng nữa, nếu không biết sử dụng Tác Ý Chân Chánh, thì hạnh phúc cũng không thể nào xuất hiện được vì tâm ta vẩn đục và đầy chấp trước. Vì thế, chúng ta phải biết rèn luyện Tác Ý Chân Chánh. Nhân dịp Năm Mới, ta phải làm thế nào để phát triển Tác Ý Chân Chánh ? Theo lời dạy của Đức Phật, một câu nói rất quan trọng trong bài kinh đó, như sau :
“Mỗi một ngày/đêm trôi qua ta đã làm gì?” Ta có dùng Pháp quán suy xét để tự hỏi mình giống như các vị phạm hạnh đang đi trên con đường tấn hóa chưa. (Theo Trung Bộ Kinh, Kinh Quán suy xét của Người Tấn hóa)
Cũng vậy, nhìn lại năm qua tôi tự hỏi mình rằng, “Năm 2008 đã trôi qua với tôi như thế nào?”. Rồi “Năm Mới” cũng đồng nghĩa với sự báo hiệu thân này lại “Già Hơn” là một Sự thật rõ ràng. Tuổi tác cứ tăng dần theo năm, tháng, phải không ? Tôi tự hỏi, “Bây giờ thân tôi già hơn trước? Nhưng tâm tôi có lớn bằng với số tuổi này không?” Vì vô minh tham ái, tâm chúng ta không bao giờ có cơ hội trưởng thành ngang bằng với tuổi tác. Cho dù tóc đã bạc màu, nhưng các thứ vật chất như mỹ phẩm, xe đời mới, son môi, giày cao gót, y phục diêm dúa, chúng ta không hề vứt bỏ cái nào mà tiếp tục đắm vào nó để tạo ra sự lôi cuốn, trẻ trung cho cái thân già này để phù hợp với tính chất thế gian. Nhưng đó lại là dấu hiệu của một cái tâm không chính chắn và chưa trưởng thành.
Còn đối với các tỳ kheo thì sao, cũng vậy, cho dù già đi vì tuổi tác, họ vẫn còn non nớt và chưa trưởng thành, nếu họ vẫn tham đắm và không nhẫn nại trong cuộc sống; nếu họ vẫn thỏa mãn nhận lãnh sự tôn trọng từ mọi người; nếu họ quên đi sự thực hành Tam học Giới, Định, Tuệ; nếu họ vẫn dính mắc trong hoàn cảnh hay địa vị trong chùa, v..v.. Tất cả những thứ này đều xuất phát từ vô minh tham ái là tính cách của một cái tâm chưa trưởng thành và còn non nớt. Đức Phật đã mô tả đối với vị tỳ kheo trong kinh Pháp cú như sau :
“ Không phải là Trưởng Lão,
Dầu cho có bạc đầu,
Người chỉ tuổi tác cao,
Được gọi là “Lão ngu”.
(Kinh Pháp cú số 260)
Theo lời dạy của Đức Phật, vì vô minh ái dục, tâm ta chưa trưởng thành chính chắn. Do đó, ta cần phải rèn luyện Tâm mình bằng cách thực hành tinh tấn Tam Học Giới, Định, Tuệ. Bằng Tác Ý Chân Chánh trong mọi hành động, ý nghĩ và lời nói ta sẽ phát triển tâm mình ngày một hoàn thiện hơn, đó mới chính là Hạnh Phúc Thực Sự - là suy nghĩ của tôi về ý nghĩa “Chào Mừng Năm Mới”. Vậy, nhân dịp Năm Mới, chúng ta hãy sử dụng Tác Ý Chân Chánh để phát triển một cái Tâm chính chắn trưởng thành như là cách duy nhất ngõ hầu có được Chân Hạnh Phúc như nói trên. Và đó cũng chính là cách mà tôi sẽ sống cho Năm 2009 tới đây.
Năm Mới Cầu chúc Quý vị đạt được Tâm Đại Thiện Trưởng Thành với Tác ý Chân Chánh để có được Một Hạnh Phúc Thực sự!
Chúc Quý vị Một Năm Mới An Vui và Hạnh Phúc !
Tỳ kheo Dhammapala
(Rừng Thiền Pa-Auk, Myanmar)
TP. Hồ Chí Minh, 17-01-2009
(người dịch Viên Hương)
No comments:
Post a Comment