Thursday, September 24, 2009

Bảy Lợi Ích

BẢY LỢI ÍCH

D.II.373 Đức Phật đã giải thích con đường Tứ Niệm Xứ có bảy lợi ích. Chúng ta hãy lắng nghe sau đây:

D.II.373
Này các tỳ-kheo, đây là con đường (maggo) độc nhất (ek∙āyano)
[1] để làm cho chúng sanh được thanh tịnh (sattānaṁ visuddhiyā)
[2] để vượt qua sầu và [3] bi (soka∙paridevānaṁ samatikkamāya)
[4] để chấm dứt khổ và [5] ưu (dukkha∙domanassānaṁ atthaṅgamāya)
[6] để đạt đến Thánh Đạo (ñāyassa adhigamāya)
[7] để chứng ngộ Niết-bàn (Nibbānassa sacchikiriyāya): đó là Tứ Niệm Xứ (cattāro sati∙paṭṭhānā).

 

1: SỰ THANH TỊNH HÓA

DA.II.373 Lợi ích thứ nhất mà Đức Phật cho thực hành Tứ Niệm Xứ (cattāro sati∙paṭṭhānā) chính là thanh tịnh hóa chúng sanh (sattānaṁ visuddhiyā). Nghĩa là thanh tịnh hóa chúng sanh khỏi sự cấu nhiễm của tham ái, sân hận và si mê. Tất cả sự thanh tịnh cao nhất chỉ đạt được sau khi loại bỏ các lậu hoặc trong tâm. Bằng cách chỉ diệt trừ ô nhiễm của thân thôi thì không có sự thanh tịnh các ô nhiễm của tâm như lời dạy Pháp như sau:

DA.II.373

Theo Bậc Tự Chứng ngộ, không được nói rằng do ô nhiễm ở thân mà chúng sanh trở nên không thanh tịnh, hoặc rằng nhờ gột rửa thân này chúng sanh sẽ trở nên thanh tịnh. Cũng theo Bậc Tự Chứng ngộ, điều này được tuyên bố do lậu hoặc ở tâm mà chúng sanh trở nên không thanh tịnh, và qua thanh tịnh tâm chúng sanh trở nên thanh tịnh.

DA.II.373 Theo phẩm 'Dây Trói Buộc' thứ hai: trong Tương Ưng Uẩn kinh, Đức Phật nói rằng:

S.III.100

Này các tỳ-kheo, do tâm phiền não mà chúng sanh bị phiền não; do tâm thanh tịnh mà chúng sanh được thanh tịnh.

2&3: VƯỢT QUA SẦU VÀ BI

DA.II.373 Lợi ích thứ hai và thứ ba mà Đức Phật dạy cho chúng ta thực hành Tứ Niệm Xứ chính là vượt qua sầu và bi (soka∙paridevānaṁ samatikkamāya). Nỗi sầu (soka) của vị đại thần Santati đã được vượt qua nhờ thực hành Tứ Niệm Xứ, và nỗi bi ai (parideva) của người phụ nữ Paṭācārā cũng đã được vượt qua bằng cách thực hành này.

Nỗi Sầu của Vị Đại Thần

DhpA.141-2 Một lần nọ khi vị đại thần Santati chiến thắng trở về sau khi trấn dẹp bọn giặc quấy nhiễu vùng biên giới lãnh thổ vua Ba-tư-nặc, đức vua đã ban thưởng cho vị đại thần này một nàng vũ nữ Ấn độ và giao vương quốc cho ông ta trong bảy ngày. Trong bảy ngày này Santati tự đắm mình trong say sưa chè chén và vào ngày thứ bảy, ăn vận đẹp đẽ, rồi ông ta trèo lên một thớt voi, và hướng về bãi tắm. Khi đi ngang qua cổng thành, ông ta gặp Đức Phật đang đi bát. Ngồi trên voi, ông ta gật đầu chào Đức Phật và đi qua luôn.

Rồi Đức Phật mỉm cười. Khi tôn giả Ananda hỏi Đức Phật lý do vì sao thì Đức Thế Tôn cười, Đức Phật mới nói rằng:

Hãy nhìn, này Ānanda, đại thần Santati của đức vua. Trong ngày hôm nay, ăn vận như thế này, ông ta sẽ đến gặp ta, và sau khi nghe bài kệ bốn câu của ta, ông ấy sẽ chứng đắc quả A-la-hán. Rồi ông ấy sẽ ngồi xếp bằng ở độ cao bảy cây cọ, và nhập diệt Niết-bàn.

Khi nghe Đức Phật nói xong, những người không có niềm tin nơi Đức Phật thì cho rằng đó là điều không thể nào xảy ra, và họ chờ hết ngày đó để bắt lỗi Ngài nói dối. Còn những người có đức tin nơi Đức Thế Tôn thì họ kinh ngạc trước năng lực của Đức Phật và chờ đợi lời tiên tri đó diễn ra.

Sau khi Santati từ chỗ tắm rửa thoải mái, đi vào khu vườn xinh tươi và ngồi xuống ngay tại khu vực giải trí. Lập tức, cô vũ nữ tiến đến và nhảy múa ca hát. Nhưng, để phô bày một thân hình duyên dáng hơn, nàng đã xiết chặt bụng mình trong suốt bảy ngày, kết quả là khi nhảy múa và ca hát, những cơn đau dữ dội như xé ở bụng nàng khởi lên khiến nàng vũ nữ lăn ra chết.

Santati đã vượt qua cơn sầu; tất cả rượu mà ông uống cả tuần qua biến mất như giọt nước rơi trên than hồng. Ông ấy nghĩ, “Còn ai, ngoài Đức Thế Tôn có thể dập tắt được nỗi sầu này của ta?”

Nghĩ vậy, chiều hôm đó, vây quanh bởi đoàn tùy tùng, ông đến gặp Đức Phật, sau khi đãnh lễ xong, ông bèn nói, 'Thưa Tôn giả, con đang mang nỗi sầu khủng khiếp. Xin hãy dập tắt nó cho con, xin hãy là nơi nương tựa của con'. Đức Phật mới nói với ông ta rằng:

Biết bao nhiêu lần người đàn bà đó đã chết như thế, và đã bao phen khóc nàng, nước mắt ông chảy còn nhiều nước hơn cả bốn biển.

DA.II.373 Rồi Đức Phật bèn thốt lên bài kệ như sau:

SuN.955

Việc gì đã (pubbe) trôi qua, tốt nhất là buông bỏ.
Và ở trước
mặt (pacchā) ngươi, không có gì ở đó.
Nếu không nắm bắt gì, giữa
(majjhe) tương lai, quá khứ,
Sẽ bước trong an bình, không còn gì khổ sở.

SNA.955 Ở đây, Đức Phật nói “đã” có nghĩa là ám chỉ quá khứ, khi Ngài nói “trước mặt” ám chỉ tương lai, và khi Ngài nói ”giữa” ám chỉ hiện tại. SA.III.85 Và khi Ngài nói đừng nắm bắt (gaṇhāti) có nghĩa là đừng chấp thủ các đối tượng dục lạc: sắc, thinh, mùi, vị, xúc, và các đối tượng khác (các pháp, dhammas).

Chấp thủ các đối tượng trên là dục thủ (kām∙upadāna), làm kiên cố thêm tham ái (taṇhā) đối với các đối tượng dục lạc. Chấp thủ các đối tượng dục lạc có ba cách:

MA.I.82

1) Chúng sanh chấp thủ vào các đối tượng dục lạc như là “Cái này của tôi”(etaṁ mama): chính là biểu hiện của tham ái (taṇhā).

2) Chúng sanh chấp thủ vào các đối tượng dục lạc như là “Đây là tôi”(es∙oham∙asmi): chính là biểu hiện của ngã mạn (māna).

3) Chúng sanh chấp thủ vào các đối tượng dục lạc như là “Đây chính là tôi”(eso me attā): chính là biểu hiện của tà kiến (micchā∙diṭṭhi).

SNA.956 Bài kệ của Đức Phật cho Santati đã nói lên rằng nếu ai muốn an tịnh thì không được chấp thủ mọi sự của quá khứ, tương lai và hiện tại theo ba cách ngã mạn, tham ái, hay tà kiến. Chúng ta cần phải từ bỏ ba loại chấp thủ (gāha) đó.

Làm thế nào để đoạn trừ chấp thủ (gāha)? Bạn phải thực hành thiền quán với đối tượng là ngũ uẩn ở các thời quá khứ, tương lai và hiện tại là các uẩn: sắc uẩn (rūpa∙kkhandha) và bốn danh uẩn (nāma∙kkhandha) còn lại. Trong khi Santati lắng nghe bài kệ của Đức Phật, ông thực hành thiền Vipassanā.

DhpA.142 Đến cuối bài kệ, Santati liền chứng đắc quả vị A-la-hán, cùng với Tứ Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā) và thần thông (abhiññā). Rồi ông ấy quán sát ngũ uẩn đời này của mình và thấy thọ mạng còn lại không bao nhiêu nữa, ông ấy xin phép Đức Phật được nhập diệt Niết-bàn. Nhưng Đức Phật bảo ông trước tiên phải quán lại nghiệp thiện đã làm từ kiếp trước: nghiệp nào khiến tái sanh làm người trong kiếp này, dẫn đến chứng đắc đạo quả A-la-hán như bây giờ. Và Ngài bảo ông ấy hãy bay lên trời, cao bằng bảy lần cây cọ để kể chuyện của ông cho mọi người nghe.

Rồi thì, Santati đảnh lễ Đức Phật, rồi bay lên cao khoảng một cây cọ, và ông bay xuống đảnh lễ Đức Phật lần nữa, và bay lên cao khoảng hai cây cọ, rồi từ từ bay lên cao hơn mặt đất bằng bảy lần cây cọ, rồi ngồi tréo chân trên không và bắt đầu kể.

Chín mươi mốt đại kiếp trái đất về trước, trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Vipassi, ông được sanh ra trong gia đình của một thành phố có tên gọi là Bandhumati. Và ông đã làm nhiều điều phước thiện, ông khuyến khích nhiều người cũng làm phước thiện. Vào ngày Bố-Tát thì ông giữ tám giới (sīla), bố thí (dāna) và nghe Pháp (bhāvanā) là loại Pháp hành thiền. Và ông tán thán Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo, khuyến khích mọi người tôn kính Tam Bảo.

Cha Đức Phật Vipassi là vua Bandhumati khi nghe chuyện này thì triệu anh ta đến. Đức vua bảo thật là không thích hợp cho anh ta đi bộ để làm cái việc mà anh ta đang làm và ban cho anh ta một vòng hoa để đeo và con ngựa để cỡi. Và rồi Santati đi giảng Pháp và cỡi con ngựa đó. Sau đó nhà vua lại nghe anh ta vẫn tiếp tục thuyết Pháp và lại triệu anh ta tới, và ban cho anh ta chiếc vương xa được kéo bởi bốn con ngựa thuần chủng Sindh. Và lần thứ ba đức vua lại nghe tiếng nói của anh ta, lần thứ ba nhà vua nghe anh ta giảng Pháp và ban tặng cho anh ta thật nhiều của cải, đồ trang sức và một con voi. Santati đặt tất cả châu báu và ngồi lên lưng voi và trong suốt tám mươi ngàn năm đi giảng Pháp. Do việc làm này mà thân anh ta luôn toả ra hương thơm của gỗ trầm hương và miệng anh ta phát ra hương hoa sen. Bằng cách này, qua hàng ngàn năm, ông ấy đã viên mãn vô số các nghiệp thiện. Một trong những nghiệp thiện là dẫn anh ta tái sanh trong cõi người.

Sau khi Santati kể về nghiệp thiện của mình trong đời quá khứ, rồi ngồi tréo chân trên không trung, ông ấy nhập vào hỏa đại (tejo∙dhātu) và lập tức nhập diệt Niết-bàn. Thân xác của ngài được hỏa thiêu và xá lợi đã rơi xuống. Một bảo tháp được xây lên để thờ xá lợi của ngài, và mọi người bảo nhau đến lễ bái tại ngôi chùa ấy.

Nỗi Bi Ai của Nàng Paṭācārā

DhpA.112-113 Có 1 câu chuyện về người đàn bà Paṭācārā. Vào lúc tuổi thanh xuân, nàng đã bỏ nhà ra đi theo một người đày tớ. Một thời gian ngắn sau, trước khi sắp sinh đứa con đầu lòng nàng lên đường về nhà cha mẹ mình. Nhưng trên đường về, nàng đã sinh con dọc đường. Sau đó, họ lại có cơ hội sinh đứa con thứ hai. Sự việc lại diễn ra y như vậy. Tuy nhiên lần này, chồng nàng đã bị rắn cắn chết trên đường về nhà. Ở trong rừng suốt một đêm dài đơn độc với đứa bé và đứa con đầu, Paṭācārā định sáng hôm sau sẽ về nhà cha mẹ mình. Nhưng đứa bé đã bị một con diều hâu cắp đi. Và đứa con kia thì bị chết chìm dưới dòng sông. Quá đau đớn và tuyệt vọng, Paṭācārā tiếp tục lên đường trở về nhà trong cuộc hành trình đơn độc. Trên đường đi nàng đã gặp một người đàn ông đi từ Sàvathi đến. Ông ta cho hay là vừa có trận bão đêm qua, nhà cha mẹ của nàng đã bị sập, giết chết cha mẹ và người em trai, và ông ta chỉ lên cụm khói đàng xa từ lễ hoả thiêu. Lúc đó, do quá đau buồn Paṭācārā đã rơi vào điên loạn, và nàng đã cởi lột hết quần áo ra, và đi lang thang, vừa khóc than kể lể khôn xiết :

Hai con ta đã chết,
Chồng ta cũng chết luôn,
Rồi trên giàn hỏa táng,
Cha ta và mẹ ta,
Cùng đứa em trai ta,
Vừa làm lễ thiêu đốt.

Thiên hạ chửi rủa nàng, ném đồ vào nàng và đuổi nàng đi.

Vào lúc đó, Đức Phật đang ngự tại Kỳ viên Tịnh xá. Thấy nàng Paṭācāra từ xa, Ngài biết nàng đã có một trăm ngàn đại kiếp thực hành ba-la-mật của mình và đã có lời thệ nguyện cần phải hoàn thành.

Trong thời kỳ Đức Phật Thượng Liên Hoa, nàng đã gặp đức Phật tán dương một vị tỳ-kheo-ni là đệ nhất trì luật và đã phát lời thệ nguyện. “Con ước nguyện được một vị Phật tán dương là một vị tỳ-kheo-ni đệ nhất trì luật.”

Đức Phật Thượng Liên Hoa quán xét về tương lai của nàng và thấy lời thệ nguyện của nàng sẽ được viên mãn, và Ngài thọ ký rằng “Trong thời kỳ giáo Pháp của Đức Phật có tên gọi là Gotama, người phụ nữ này có tên gọi là Paṭācārā sẽ trở thành tỳ-kheo-ni đệ nhất trì luật”.

Thấy như vậy, Đức Phật cho phép đem nàng Paṭācāra lại và dùng tâm từ rải đến nàng. Đức Phật nói rằng, “Này cô, hãy trở về ngay tâm của mình”. Và nhờ oai lực tâm từ của Đức Phật mà tâm trí nàng tỉnh táo lại. Nhận thấy mình đang trần truồng, nàng liền nằm mọp xuống đất.

Một người đàn ông đã quăng cho nàng một tấm vải, nàng quấn vải vào mình và đảnh lễ Đức Phật. Rồi nàng thỉnh 'Thưa Tôn Giả, xin hãy là nơi nương tựa của con, xin hãy cứu độ con' và nàng kể lại thân phận của nàng. Đức Phật bảo nàng:

Này Paṭācāra, đừng lo lắng nữa. Nàng đã gặp Người có thể là nơi trú ẩn, nơi bảo vệ, và nơi nương tựa của nàng. Những gì nàng nói là sự thật. Nhưng chỉ là ngày hôm nay, và cũng vậy trong vòng sanh tử luân hồi này nàng đã khóc vì mất mát những đứa con và những người thân yêu của nàng, nước mắt khóc than của nàng còn nhiều hơn nước sông bốn biển

Đức Phật thốt lên câu kệ sau đây:

Nước bốn biển ít hơn,
Nước mắt của loài người,
Bởi sầu muộn si mê
Đau đớn và cuồng loạn
Này người phụ nữ kia
Sao ngươi còn phóng dật

Bằng cách này, Đức Phật giảng về vòng sanh tử luân hồi vô thủy vô chung. Khi Ngài giảng thì nỗi ưu của Paṭācārā cũng vơi đi. Nhận thấy nỗi ưu của nàng dịu bớt, Đức Phật lại tiếp tục.

Này Paṭācārā, là người trong thế gian này thì chẳng phải con trai cũng chẳng phải họ hàng thân thích nào có thể làm nơi nương tựa. Ngay cả khi họ còn sống cho đến lúc ngươi chết đi nữa, thì cũng không thể làm chỗ nương tựa cho ngươi được. Một người trí nên thanh lọc giới đức của mình và thanh tịnh tâm trên con đường dẫn tới Niết-bàn.

DA.II.373 Rồi Ngài liền ngâm bài kệ.

Dhp.xx.16
Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở.

Dhp.xx.17
Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết-bàn.

Cuối của bài Pháp, Paṭācārā chứng quả Tu-đà-hoàn (sotā∙patti). Và nàng đã xin Đức Phật cho xuất gia làm tỳ-kheo-ni.

Những Điều Kiện Tất Yếu để Bước Vào Dòng Thánh

DA.II.373 Làm thế nào mà Santati và Paṭācārā có thể chiến thắng được sầu và bi của mình. Đó là vì vị ấy đã thực hành thiền (bhāvanā), và để thực hành thiền họ cần có đề mục thiền (kamma∙ṭṭhāna), một niệm xứ (sati∙paṭṭhāna) là thân (kāya) hoặc thọ (vedanā), tâm (citta), hoặc pháp (dhammā) (pháp ở đây là bao gồm các tâm sở trừ cảm thọ). Santati và Paṭācārā đã chiến thắng sầu và bi bằng cách hiểu rõ thân, thọ, tâm, pháp.

Cách Ứng Dụng Lối Giảng Dạy Phù Hợp Căn Cơ Người Nghe:

Ở đây chúng ta cần phải nhận biết về cách ứng dụng lối giảng giải phù hợp căn cơ người nghe (Sāsana∙yutti) của Đức Thế Tôn. Để chiến thắng được sầu và bi hành giả cần phải hiểu rõ ngũ uẩn. Bằng cách thực hành Tứ Niệm Xứ, Santati và Paṭācārā đã hiểu được Ngũ Uẩn: sắc uẩn (rūpa∙kkhandha), thọ uẩn (vedanā∙kkhandha), tưởng uẩn (saññā∙kkhandha), hành uẩn (saṅkhārā∙kkhandha) và thức uẩn (viññāṇā∙kkhandha): tất cả quá khứ, vị lai và hiện tại, trong và ngoài, thô và tế, hạ liệt và cao thượng, xa và gần.

Hãy liên hệ Ngũ uẩn với Tứ Niệm Xứ.

1) Quán sắc uẩn tức niệm thân (kāy∙ānupassanā).

2) Quán thọ uẩn tức niệm thọ (vedan∙ānupassanā).

3) Quán thức uẩn tức niệm tâm (citt∙ānupassanā).

4) Quán tưởng uẩn và hành uẩn được bao gồm trong phần năm uẩn của quán pháp (dhamm∙ānupassanā).

Nói cách khác :

1) Sắc uẩn là sắc (rūpa)

2) Danh uẩn là danh (nāma)

Quán sát thân là quán sắc (rūpa); quán thọ, tâm, và pháp là quán danh (nāma). Theo cách này, ta có thể hiểu rằng, quán Tứ Niệm Xứ tức quán Danh và Sắc (nāma∙rūpa). Khi quán danh và sắc nội thân tức quán bản thân danh sắc của chính mình. Quán sát danh sắc ngoại thân tức quán sát thân của người khác (chẳng hạn như con trai, con gái, chồng hay vợ, tài sản…)

Nhờ quán sát danh sắc mà Santati và Paṭācāra đã tuệ tri trực tiếp vô thường (aniccā), khổ (dukkha) và vô ngã (an∙atta) của danh sắc: đó là thiền Vipassanā. Vì vậy, Santati và Paṭācāra đã chứng ngộ Niết-bàn và chiến thắng sầu và bi.

Santati đã chứng đắc quả A-la-hán với tứ tuệ phân tích, và nhập vào Vô dư Niết-bàn, sự tận diệt hoàn toàn. Paṭācārā cũng chứng đắc quả Nhập lưu (Sotāpatti) và xuất gia với Đức Phật. Là một tỳ-kheo-ni, bà đã thực hành thiền Vipassanā giai đoạn phát triển cao hơn và cũng giống như Santati thì Paṭācārā cũng chứng đắc quả A-la-hán với tứ tuệ phân tích.

VsM.Ṭ.429 Những người đạt đến tầng Thánh (Ariya) cùng với tứ tuệ phân tích cần phải hoàn thành một số các điều kiện như sau: cần phải phát triển ba-la-mật tròn đủ trong thời giáo pháp của các Đức Phật quá khứ. Ba-la-mật quan trọng nhất là hành thiền Vipassanā tới tuệ Sanh Diệt (Udaya∙Bbaya∙Ñāṇa), hoặc tuệ Hành Xả (Saṅkhār∙Upekkha∙Ñāṇa). Nhờ vào việc thực hành trong quá khứ này mà Santati và Paṭācārā, trong kiếp chót của mình, đã có thể nhanh chóng quán sát danh sắc là vô thường, khổ, vô ngã và do đó nhanh chóng chứng đắc Niết-bàn. Vì vậy chúng ta có thể hiểu rằng việc có các ba-la-mật cần thiết là điều kiện tiên quyết.

4&5: DIỆT TẬN KHỔ & ƯU

Lợi ích thứ tư và thứ năm là lợi ích mà Đức Phật đã cho thực hành Tứ Niệm Xứ đó là sự diệt tận khổ và ưu (dukkha∙domanassānaṁ atthaṅgamāya). Điều này có nghĩa là sự diệt tận khổ về thân (dukkha) và ưu (domanassa) là khổ về tâm. Bằng việc thực hành Tứ Niệm Xứ, sự khổ về thân của đại đức Tissa biến mất, và tương tự, khổ về tâm của vua trời Đế Thích, vua của chư thiên, đã biến mất.

Vị Tỳ-kheo Tissa

DA.II.373 Tissa là người đứng đầu trong một gia đình tại thành Xá-vệ. Sau khi từ bỏ số vàng trị giá bốn trăm triệu, ngài đã trở thành vị tỳ-kheo và cư ngụ trong rừng cách xa kinh thành. Người em dâu của ngài vì sợ ngài sẽ quay về đòi lại thừa kế, nên đã thuê một bọn cướp năm trăm tên để tìm và giết ngài.

Khi băng cướp tìm ra ngài, và bảo ngài rằng họ tới đây để giết ngài. Rồi ngài yêu cầu: “Xin các ông cho tôi an toàn mạng sống chỉ đêm nay thôi.” Bọn cướp nói rằng: “Ồ ông sa môn, ông nghĩ là chúng tôi sẽ để ông an toàn ở một nơi như thế này sao!” Nghe thế, đại đức Tissa lấy một hòn đá to, đập gãy hai chân của mình, và hỏi: “Này các ông, như vậy đã bảo đảm an toàn chưa?” Biết rằng vị tỳ-kheo không thể chạy trốn được, bọn cướp bèn bỏ đi.

DA.II.373 Rồi vị ấy làm gì? Vị ấy đã hành thiền. DṬ.II.373 Vị ấy nén sự đau đớn của đôi chân gãy bằng cách không chú ý đến cơn đau nữa mà suy tư đến giới hạnh của mình. DA.II.373 Thấy rõ giới hạnh trong sạch của mình, hỷ lạc (pīti∙pāmojjaṁ) khởi lên, bằng cách đó cơn đau thân xác biến mất. Và vị ấy có thể thực hành thiền định để phát triển định tâm. Với định tâm, vị ấy mới có thể hành thiền Vipassanā, và phát triển minh sát từng bước một. Trong ba canh giờ của đêm đó, vị ấy đã viên mãn bổn phận của người sa môn (samaṇa∙dhammā). Vào cuối canh ba, lúc rạng đông, ngài đã chứng đắc quả vị A-la-hán. DA.II.373 Rồi ngài bèn thốt lên bài kệ như sau:

Ta đã bẻ gãy xương
Cả hai ống chân ta
Ðể hoàn thành lời hứa
Như lời ngươi đòi hỏi
Ta kinh khủng hổ thẹn
Nếu chết còn đèo tham
Sau khi nghĩ như thế
Ta chánh niệm tỉnh giác
Và khi mặt trời lên
Soi chiếu trên người ta
Ta đắc quả La-hán.

Đây là câu chuyện của vị tỳ-kheo Tissa đã làm biến mất cơn đau của mình bằng cách không để ý tới nó nữa.

Bây giờ trong khoá thiền, nhiều thiền sinh than phiền rằng họ đau chỗ này đau chỗ kia. Vậy cái đau nhức đó có nhiều hơn đôi chân bị đập gãy bằng hòn đá to không? Chỉ cần giống như vị tỳ-kheo đó là không để ý vào cơn đau, bạn cũng vậy bạn không nên để ý sự đau nhức của mình: bạn chỉ nên chú ý vào đề mục thiền cơ bản (mūḷa∙kamma∙ṭṭhāna) của mình mà thôi.

Theo Thanh Tịnh Đạo, đề mục thiền cơ bản của bạn có thể là bất kỳ trong số bốn mươi đề mục thiền định. Bạn có thể chọn một cái bạn mà bạn thích. Nhiều thiền sinh chọn chánh niệm hơi thở (ān∙āpāna∙ssati), người thì chọn thiền phân tích tứ đại (catu∙dhātu vavatthāna kamma∙ṭṭhāna). Khi bạn tập trung vào đề mục thiền, định tâm của bạn sẽ phát triển: khi định tâm của bạn phát triển thì bạn sẽ có thể đè nén cơn đau thân xác một cách dễ dàng. Để hành thiền thành công điều cần thiết là phải bền chí.

 Nếu bạn không chấp nhận chịu đựng cơn đau khi hành thiền, điều đó có nghĩa rằng bạn rất không chắc chắn thoát khỏi tái sanh trong bốn đường ác đạo (apāya). Bây giờ, cơn đau mà bạn có thể kinh nghiệm trong hành thiền là không thể so sánh được cơn đau tái sanh ở một trong bốn đường ác đạo. Do đó điều chính yếu là mỗi người các bạn giải thoát khỏi đau khổ đó.

Có thêm một câu chuyện nữa về một vị tỳ-kheo đã vượt qua sự đau đớn trên thân

Ba Mươi Vị Tỳ-kheo

DA.II.373 Một lần nọ, có ba mươi vị tỳ-kheo nhận được đề mục thiền từ Đức Phật liền vào một khu rừng để nhập hạ. Họ đồng ý với nhau là không nói chuyện và thực hành hạnh sa môn trong suốt ba canh giờ.

Phận Sự của Sa-môn

M.I.416-433 Các phận sự của một vị sa môn (samaṇa dhamma) là gì? Có mười phận sự:

1)       Tàm và quý (hir∙ottappa)

2)        Thanh tịnh thân (parisuddha kāya∙samācāra)

3)        Thanh tịnh khẩu (parisuddha vacī∙samācāra)

4)        Thanh tịnh ý (parisuddha mano∙samācāra)

5)        Thanh tịnh giới nuôi mạng (parisuddha ājīva)

6)        Phòng hộ các căn (indriyesu gutta∙dvāra)

7)        Tiết chế ăn uống (bhojane∙mattaññu)

8)       Thực hành tỉnh thức (jāgariya anuyuttā)

9)       Chánh niệm tỉnh giác (sati∙sampajañña)

10)   Loại trừ năm triền cái (pañca nīvaraṇa) và thanh tịnh tâm (phát triển an chỉ định của bốn tầng thiền) (citta parisuddha) và Tam minh (te∙vijja)

i.     Túc mạng minh (Pubbe∙Nivās∙Ānussati∙Ñāṇa)

ii.    Sanh Tử minh (Sattānaṁ Cut∙Ūpapāta∙Ñāṇa)

iii. Lậu tận minh (Āsavānaṁ Khaya∙Ñāṇa)

A.III.82 Mười điều này tương đương với Tam vô lậu học:

1)     Tăng Thượng Giới học (adhi∙sīla∙sikkhā)

2)      Tăng Thượng Định học (adhi∙citta∙sikkhā)

3)      Tăng Thượng Tuệ học (adhi∙paññā)

A.III.90 Tăng Thượng Giới học có nghĩa là thực hành theo giới luật tỳ-kheo (Vinaya) v.v.; Tăng Thượng Định học có nghĩa là thực hành bậc thiền thứ tám; Tăng Thượng Tuệ học có nghĩa là thực hành Vipassanā cho đến quả vị A-la-hán. Là các tỳ-kheo, chúng tôi phải thực hành những bổn phận này mỗi ngày và đêm. Đây là những việc mà ba mươi vị tỳ-kheo đã tinh cần thực hành.

Trong Miệng Cọp

DA.II.373 Nhưng vào sáng sớm hôm đó, vào cuối canh ba, một vài tỳ-kheo ngủ gật. Và họ bị cọp vồ, nhưng họ không hề kêu la tiếng nào. Con cọp đã bắt đi khoảng mười lăm vị tỳ-kheo. Vào ngày bố-tát (khi các vị tỳ-kheo gặp nhau tụng giới bổn), họ mới phát hiện là những vị khác đã bị cọp bắt đi. Từ đó, họ đồng ý với nhau là nếu bị cọp vồ thì phải la lên: “Nó bắt tôi”.

Rồi vào một đêm nọ, con cọp lại đến, và nó bắt một vị tỳ-kheo trẻ. Vị ấy la lên: “Cọp, các tôn giả ơi!”

Và những vị tỳ-kheo khác mang gậy ra và đuốc và đuổi theo con cọp.

Con cọp đã mang vị tỳ-kheo trẻ đi lên một dốc đá và không ai có thể leo vào được, và nó bắt đầu xé xác vị tỳ-kheo. Những vị tỳ-kheo bên dưới không thể làm gì khác hơn được. Ngay cả khi con cọp đang xé xác, vị tỳ-kheo nén cơn đau, phát triển minh sát tuệ. Vị ấy đã chứng đắc bốn Đạo và Quả của bậc A-la-hán cùng với tứ Tuệ phân tích.

Ba-la-mật Quá Khứ và Hiện Tại

Làm thế nào mà vị tỳ-kheo ấy lại chứng đắc quả vị A-la-hán một cách nhanh chóng như vậy? Đó là nhờ năng lực của ba-la-mật. VsM&T/Ṭ.429&VbhA.718 Có hai loại ba-la-mật: ba-la-mật quá khứ và ba-la-mật hiện tại.

1) Ba-la-mật quá khứ: Đối với những vị chứng đắc tứ tuệ phân tích sẽ luôn luôn phát triển các ba-la-mật cần thiết trong thời Giáo Pháp của Đức Phật quá khứ. Ba-la-mật này bao gồm:

i) Tinh thông kinh điển (pariyatti): học thuộc lòng Pháp thuyết giảng bởi Đức Phật (Buddha∙Vacanassa pariyāpuṇanaṁ), tụng kinh Pali (Pāḷyā sajjhāyo).

ii) Nghe Pháp (savana): học Pháp một cách toàn diện với sự chăm chú và kính trọng

iii) Vấn Pháp (paripucchā): luận bàn những đoạn khó trong kinh và chú giải ...

iv) Tiền Nỗ Lực (pubba∙yoga): đã thực hành Thiền định và Thiền Vipassanā đến tuệ Hành Xả (Saṅkhār∙Upekkhā∙Ñāṇa). Mặc dù không thể bỏ được yếu tố nào trong bốn yếu tố này, sự thực hành thiền định và thiền Vipassanā trước đây là yếu tố quan trọng nhất: nó giống như sự thực hành Tứ Niệm Xứ vậy.

Tất cả những ba-la-mật này chỉ có thể thực hành trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật quá khứ: nếu không thì sẽ phi thành tựu.

2) Ba-la-mật hiện tại:

Vị tỳ-kheo bị cọp vồ xé xác đã có được ba-la-mật quá khứ này. Đã nhận được đề mục thiền từ Đức Phật, vị ấy liền tinh tấn hành thiền Vipassanā. Vị ấy quán sát mười một loại ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã. Vì vậy, ba-la-mật quá khứ của vị ấy cùng với sự thực hành hiện tại của vị ấy đã giúp cho vị ấy chứng đắc Bốn Đạo và Bốn Quả cùng với tứ tuệ phân tích ngay cả khi cọp đang xé xác vị ấy.

Cũng trong trường hợp này, vị tỳ-kheo không để ý đến sự đau đớn thể xác: chỉ chú tâm vào đề mục hành thiền để phát triển tuệ minh sát. Vì vậy chúng ta có thể hiểu rằng phát triển tuệ minh sát dựa trên nền tảng cận định và an chỉ định (jhāna) là rất quan trọng vậy.

Làm Thế Nào Để Không Chú Ý Đến Sự Đau Đớn của Thân Nữa.

S.III.160 Cách tốt nhất để chúng ta có thể không để ý đến sự đau đớn của thân là hãy lắng nghe cách giải thích của Đức Phật về bệnh tật. Một lần nọ, có một vị tỳ-kheo tên Rādha đã đến hỏi Đức Phật về Ma vương. Và Đức Phật đã giải thích rằng ngũ uẩn chính là Ma vương. Đức Phật giải thích rằng ngũ uẩn phải được xem như là kẻ giết người (māretu) và người bị giết (mīya). Nó còn được xem như là bệnh tật (roga), mụt nhọt (gaṇḍa), mũi tên (salla), sự đau đớn (agha)

Nếu chúng ta phân tích thân và tâm của chúng ta, ta chỉ thấy ngũ uẩn. Nó luôn luôn hiện diện. Chừng nào còn có ngũ uẩn hiện diện thì chừng đó còn có bệnh tật. Chúng ta không thể nào tránh khỏi bệnh tật. Tại sao? Chẳng hạn khi bị sốt: đó là do sự quá độ của nóng hay lạnh: là yếu tố hoả đại. Khi chúng ta khổ vì bệnh thấp khớp, đó là do gió quá độ: yếu tố phong đại. Khi chúng ta khổ vì bệnh tiêu chảy, đó là do tính chảy quá độ, thủy đại. Và bất cứ sự đau đớn nào trên thân hay bất cứ sự bất toại nguyện nào (chẳng hạn như nhức đầu, đau tai, đau răng, đau cổ, đau lưng, đau gối, …) đều có nguyên nhân là sự mất cân bằng giữa các yếu tố đất, lửa, hoặc gió… Khổ về thân (kāyika dukkha) sinh khởi do thân xúc (kāya∙samphassa). Khổ về thân là một tâm sở đồng sanh với thân thức (kāya∙viññāṇa). Và thân thức luôn sinh khởi vì xúc chạm giữa thân với các yếu tố đất, lửa, hay gió. Bởi vì thân của chúng ta tạo thành từ tứ đại nên chúng ta không thể tránh khỏi sự xáo trộn của nó được. Bởi vì chúng ta không thể nào thoát khỏi thân ta được nên chúng ta không có cách nào thoát khỏi tứ đại được. Vì vậy chúng ta không cần phải lo lắng về nó và cũng không cần phải lo lắng về sự đau đớn của thân xác này.

Khi bạn hành thiền, bạn cần có ước nguyện mạnh mẽ chứng đắc quả vị A-la-hán và nhờ có ước nguyện mạnh mẽ này mà tinh tấn của bạn tăng trưởng. Khi tinh tấn của bạn tăng trưởng bạn có thể chấp nhận bất kỳ cơn đau thể xác nào.

Hãy luôn nhớ rằng chúng ta có thể chết bất kỳ lúc nào? Vì thế chúng ta phải luôn tinh tấn hành thiền để chứng đạt quả vị A-la-hán trước khi chết. Bởi sau khi chết, không ai biết mình có thể hành thiền được nữa hay không. Có ước nguyện mạnh mẽ và tạo nỗ lực to lớn để hành thiền ngay bây giờ thật là cần thiết. Chúng ta không cho phép mình nản lòng vì sự đau nhức.

Hãy luôn nhớ đến hai vị tỳ-kheo dũng cảm, và học từ ví dụ nơi họ: một vị thì tự đập gãy chân mình, còn một vị thì bị cọp ăn sống.

Để giúp cho quý vị nhớ rõ lâu hơn, chúng tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện khác về tỳ-kheo Pītamalla: ngài đã chứng đắc quả vị A-la-hán trong một sự đau đớn tột cùng.

Vị tỳ-kheo Pitamalla

DA.II.373 Khi đại đức Pitamalla còn là một cư sĩ, vị ấy đã là vô địch đấu vật ở ba vương quốc. Một lần nọ, ông ấy đến Đảo Tambapaṇṇī (Sri Lanka), nơi đó ông ấy trò chuyện với nhà vua, và được ban cho một chức vụ trong hoàng gia. Rồi một ngày, ông ấy đi ngang qua chỗ của một vị tỳ-kheo đang tụng đọc một đoạn kinh bài “Ví dụ con Rắn”. Ở đây, Đức Phật nói rằng:

M.I.247

Rūpaṁ, bhikkhave, na tumhākaṁ, taṁ pajahatha!

Taṁ vo pahīnaṁ dīgha∙rattaṁ hitāya sukhāya bhavissati.

Này các tỳ-kheo, sắc không phải là của các ông: hãy buông bỏ nó!

Khi các ông buông bỏ nó, đó sẽ là lợi lạc và hạnh phúc lâu dài của các ông.

Nghe được điều này, Pitamalla nghĩ: “Thật vậy, sắc hay thọ không có cái nào thuộc về ta.” Chỉ với suy tư như thế làm động lực, ngài đã từ bỏ thế gian. Ngài xin xuất gia  (pabbajja) và sau đó là thọ cụ túc giới (upasampadā) ở Đại Tự Viện (Mahā∙Vihāra) tại Anurādhapura (thủ đô cổ của Srilanka). Sau khi ngài thông suốt hai bộ luật tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni, ngài đi đến một nơi gọi là Gavaravāliya-Aṅgana với ba mươi vị tỳ-kheo khác. Họ thực hiện bổn phận hạnh sa môn (samaṇa dhamma). Sau đó, do đi kinh hành quá nhiều khiến hai bàn chân bị rách nát nên ngài Pītamalla không còn đi được nữa, ngài tiếp tục việc đi kinh hành bằng hai đầu gối.

Vào một đêm, người thợ săn đã nhầm ông với con nai, và đâm một nhát giáo vào ông. Mũi giáo đi thật sâu vào bên trong thân, và vị tỳ-kheo liền nhổ ra. Ngài đã đắp vết thương với một nắm cỏ, và ngồi lên một tảng đá phẳng. Nhìn vào sự bất hạnh như là một lý do để khởi sanh tấn lực, ngài khởi lên sự tinh tấn mãnh liệt, phát triển tuệ quán và đã chứng đạt quả vị A-la-hán với tứ tuệ phân tích.

Để cho người bạn tỳ-kheo biết điều này, đại đức Pītamalla bèn ra dấu bằng cách thông cổ họng và thốt lên bài kệ hoan hỷ sau:

DA.II.373

Lời mà Người tỉnh thức, bậc trưởng thượng, người tuyên bố Chánh kiến nói rằng: “Này các tỳ-kheo, sắc không phải là của các ông: hãy buông bỏ nó.”

Vô thường, thật vậy, là tất cả hành, thuộc về duyên sanh và diệt. Nó khởi lên, rồi chấm dứt, sự diệt tận các tất cả các hành mới đúng là hạnh phúc thực sự.

Người đấu vật đã hứng khởi để trở thành vị tỳ-kheo vì những lời giáo huấn của Đức Phật.

M.I.247

Rūpaṁ, bhikkhave, na tumhākaṁ, taṁ pajahatha!

Này các tỳ-kheo, sắc không phải là của các ông, hãy buông bỏ nó!

Điều đó có nghĩa là gì ? Có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ sự dính mắc của mình với sắc vật chất, cũng như dính mắc của ta với thọ, tưởng, hành và thức: tất cả ngũ uẩn, Và chúng ta sẽ làm thế nào? Đầu tiên, chúng ta cần phải biết và thấy ngũ uẩn với trí tuệ trực tiếp. Một khi chúng ta đã biết và thấy năm uẩn rồi với trí tuệ trực tiếp, chúng ta cần phải quán sát chúng theo ba cách như sau:

1)     Chúng ta cần quán sát ngũ uẩn để thấy chúng ngay khi chúng vừa sanh lên chúng liền diệt đi nghĩa là ngũ uẩn là vô thường.

2)     Chúng ta cần phải quán sát ngũ uẩn để thấy chúng luôn bị đàn áp bởi nhân sanh và diệt, nghĩa là ngũ uẩn là đau khổ.

3)      Chúng ta cần phải quán sát ngũ uẩn để thấy rằng vì chúng là vô thường và khổ, không thể có cái ngã vững bền trong chúng, nghĩa là ngũ uẩn là vô ngã.

Nếu chúng ta quán sát ngũ uấn theo ba cách, chúng ta có thể xả bỏ dính mắc.

Sắc không là của bạn. Cảm thọ cũng y như vậy. Cũng không có cảm thọ thân khổ, hay cảm thọ tâm khổ nào là của bạn. Nếu cảm thọ đau thuộc về bạn thì nó phải luôn luôn ở đó, bởi vì khi nào có thức thì khi đó có thọ. Nhưng cảm thọ đau không phải là của bạn vì thọ chỉ khởi sanh khi sáu căn (ayātana) tiếp xúc với sáu trần. Hơn nữa, nếu thọ là của bạn thì bạn sẽ có thể kiểm soát cảm thọ của bạn. Thọ sanh và diệt vì một nhân (hetu) và duyên (paccaya), và điều đó có nghĩa chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Nếu bạn quán tưởng thọ theo cách này, bạn có thể xả bỏ sự dính mắc về cảm thọ. Nếu bạn thực hành thiền định, và bạn chưa thể thấy được ngũ uẩn, bạn phải kiềm chế cơn đau bằng cách chú tâm vào đề mục hành thiền, chẳng hạn như hơi thở ra, hơi thở vào, hoặc là tứ đại.

Đó là cách mà chánh niệm có thể làm biến mất cơn đau: Nó đã diễn ra như vậy với ngài tỳ-kheo Tissa với đôi chân gãy, vị tỳ-kheo trẻ ở trong miệng cọp, và tỳ-kheo Pītamalla với vết thương của mũi giáo trong ngực. Sau đây, chúng tôi sẽ đưa một ví dụ về làm thế nào chiến thắng khổ về tâm.

Vua Trời Đế Thích, Vua của Các Vị Chư Thiên

Một lần nọ, vua trời Đế thích, vị vua của chư thiên, Sakka, chợt buồn bã và sợ hãi về cái chết, bởi ngài nhìn thấy năm điềm xấu về sự chết. Vì lý do này, vua Đế thích đã đến gặp Đức Phật và hỏi Đức Phật mười bốn câu hỏi. Khi Đức Phật giảng về thọ xả (upekkha vedanā), vua Đế thích và tám mươi ngàn vị chư thiên khác đã chứng đắc nhập vào dòng Thánh. Và vua Đế thích được tái sanh lần nữa làm vua của chư thiên. Bằng việc thực hành quán tưởng về hành được dẫn dắt bởi thọ (vedan∙ānupassanā sati∙paṭṭhāna), vua trời Đế thích đã loại bỏ khổ về tâm, ưu. Phần thí dụ này rất ngắn gọn: người đọc nào chưa đọc đầy đủ và quen thuộc với câu chuyện này sẽ không hiểu giải thích về thọ xả của Đức Phật là gì, cũng như không biết làm thế nào tất cả các vị chư thiên chứng đắc quả Nhập Lưu, cũng không hiểu tại sao vua trời Đế Thích lại được tái sanh làm vua của các vị chư thiên, và cũng không hiểu như thế nào vua trời Đế Thích đã quán tưởng nỗi khổ về tâm và vượt qua nó. Người đọc không chuyên không thể học được nhiều từ ví dụ này.

Thiên Nam Subrahmā

DA.II.373 Cùng với sự liên hệ này, là trường hợp vị chư thiên tên Subrahmā. SA.I.98 Một lần nọ, vị ấy đang hoan hỷ thọ hưởng niềm an lạc cõi trời với một ngàn vị thiên nữ. Rồi năm trăm vị thiên nữ đã chết khi họ đang hái hoa và tái sanh trong địa ngục. Thấy được nơi tái sanh của họ, Subrahmā vô cùng sợ hãi. Rồi vị ấy nhìn đến tương lai và thấy được bảy ngày sau vị ấy và năm trăm vị thiên nữ còn lại cũng sẽ bị tái sanh vào địa ngục. Tại sao? Bởi vì anh ta và các thiên nữ của mình trong khu vườn đã say mê hưởng thụ dục lạc quá nhiều. Chính vì sự thọ hưởng dục lạc quá độ đó là nghiệp bất thiện dẫn tới việc tái sanh trong địa ngục.

Giờ đây cảm thấy sự cấp bách, Subrama và năm trăm thiên nữ còn lại đã đến gặp Đức Phật. Vị chư thiên bạch với Đức Phật rằng:

S.I.98

Tâm này thường sợ hãi,
Ý này thường dao động,
Ðiều mong ước không khởi,
Ðiều không mong lại khởi,
Nếu có, không sợ hãi,
Xin giải điều con hỏi
.

Đức Phật trả lời rằng:

S.I.98

Không ngoài việc giác ngộ (bojjhā),
Không ngoài hạnh giác chi (tapasā),
Không ngoài hộ trì căn
(indriya∙saṁvarā),
Không ngoài bỏ tất cả
(sabba∙nissagā),
Ta thấy các pháp ấy,
Ðưa đến sự an toàn,
Cho tất cả chúng sanh.

DA.II.373 Khi vừa kết thúc lời dạy, thiên nam Subrahmā và năm trăm thiên nữ chứng đắc vào dòng Nhập Lưu. Với sự chứng đắc vô giá, Subrahmā vui sướng trở về thế giới chư thiên của mình.

Điều đó phải được hiểu rằng để phát triển Tứ Niệm Xứ như đã được giải thích bởi Đức Phật thì cần phải xua tan khổ về tâm như vừa làm bởi vua trời Đế Thích và thiên nam Subrahmā.

6: CON ĐƯỜNG CHỨNG ĐẮC THÁNH ĐẠO.

DA.II.373 Lợi ích thứ sáu mà Đức Phật cho thực hành Tứ Niệm Xứ là con đường chứng đắc Thánh đạo (ñāyassa adhigamāya). Đây là con đường chánh của Bát chánh đạo. Khi một người phát triển tiền đề, là đạo lộ hiệp thế của Niệm Xứ (lokiya satipaṭṭhāna∙magga) dẫn tới sự chứng đắc đạo lộ Siêu thế (Lokuttara∙Magga).

7: SỰ CHỨNG NGỘ NIẾT-BÀN

Lợi ích thứ bảy mà Đức Phật cho thực hành Tứ Niệm Xứ là sự chứng ngộ Niết-bàn (Nibbānassa sacchikiriyāya)

DA.II.373 Có nghĩa là sự chứng ngộ của một người kinh nghiệm trực tiếp về sự Bất Tử, Niết-bàn. Niết-bàn được gọi như vậy vì sự vắng mặt của sự tham muốn (vāna): tham muốn đồng nghĩa với tham ái (taṇha): Niết-bàn là sự vắng mặt của tham ái. DA.II.64 Vāna cũng có nghĩa là mạng nhện hay cuộn chỉ rối. Tham ái xâu (saṁsibbati) dệt (vinati) lại với nhau tạo ra kiếp sống tái sanh với hữu là quả của nghiệp hết đời này sang đời khác. Nhưng trong Niết-bàn thì vắng bóng tham, nên cũng không có mạng đan xâu của nghiệp hữu tái sanh ra đời sống kế tiếp.

Nếu con đường này dần được vun đắp thì sẽ dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Và Niết-bàn mà Bậc Thánh (Ariya) thấy càng rõ hơn khi cô ta hay anh ta tiến trên con đường Thánh đạo là vô vi Niết-bàn (Asaṅkhata Nibbāna).

Tóm Tắt

DA.II.373 Khi chúng sanh thanh tịnh hoá theo cách này (là lợi ích thứ nhất mà Đức Phật đã dạy) tất cả các điều kiện khác được thỏa mãn: sầu và bi đều được vượt qua, khổ và ưu bị xua tan, con đường Chánh đạo được chứng ngộ và Niết-bàn đã giác ngộ. Nhưng đề biết được điều đó, người đó cần phải làm quen với cách dùng, hệ biến hoá của sự giảng giải trong Giáo Lý của Đức Phật phù hợp căn cơ người nghe (Sāsana∙yutti).

DA.II.373 Đức Phật không dạy chúng sanh làm quen với lối giảng giải phù hợp căn cơ người nghe ngay từ đầu, rồi giảng pháp sau. Thay vào đó, Ngài giảng giải ý nghĩa qua các bài kinh. Vì vậy để việc giảng giáo lý duy nhất mang lại hiệu quả bằng cách, Ngài giảng: để vượt qua sầu và bi...

DA.II.373 Chúng ta có thể nói rằng Đức Phật đã giảng giải theo cách này để cho biết các nhân cho sự giải thoát bằng con đường độc nhất.

1)    Chúng sanh được thanh tịnh bằng con đường độc nhất, vì mọi sầu và bi được vượt qua.

2)    Và sầu và bi được vượt qua vì khổ và ưu bị tiêu trừ.

3)     Và khổ và ưu bị tiêu trừ vì chứng ngộ được Đạo Đế trong Bát Thánh Đạo

4)      Và Đạo Đế được chứng ngộ vì chứng ngộ Niết-bàn

Bằng cách này Đức Phật đã giải thích tiến trình giải thoát bằng con đường độc nhất. Con đường độc nhất này được hoàn mãn bằng sự chứng ngộ quả vị A-la-hán của Vô Vi Niết-bàn (Asaṅkhata Nibbāna).

DA.II.373 Hơn nữa, với bảy giai đoạn về thanh tịnh của chúng sanh…v..v Đức Phật đã tán thán con đường độc nhất theo bảy cách. Tại sao Ngài tán thán như vậy? Để tạo hứng khởi gây sự quan tâm của các vị tỳ-kheo. Đức Phật biết rằng:

DA.II.373

Khi nghe những lời tán thán này, các vị tỳ-kheo này sẽ tin tưởng rằng con đường này sẽ loại bỏ bốn sự bất hạnh (upaddava):

1)     Sự thiêu đốt trái tim đó là sầu (soka);

2)     Sự khóc than chính là bi (parideva);

3)      Đau buồn trên thân chính là khổ (dukkha);

4)      Đau buồn trên tâm chính là ưu (domanassa).

Và các vị ấy sẽ tin tưởng rằng nó sẽ mang lại ba điều khác biệt (visesa) là: sự thanh tịnh (visuddhi), con đường chánh (ñāya) và Niết-bàn. Và họ sẽ bị thuyết phục rằng lời dạy này sẽ được tiếp thu, học kỹ lưỡng, luôn ghi nhớ trong tâm, và là con đường cần phải được phát triển.

Kết luận thảo luận của chúng ta về bảy lợi ích này sẽ được thành tựu từ sự thực hành Tứ Niệm Xứ. Vậy sau đây chúng ta hãy thảo luận về chính bản thân Tứ Niệm Xứ.

 

 

1 comment:

Unknown said...
This comment has been removed by the author.