Nhân dịp lễ xuất gia của bác sĩ tôi sẽ nói về “thế nào là cuộc sống có giá trị”.
“Này tỳ kheo, hãy luôn tinh tấn, chớ có phóng dật! Bởi khó khăn lắm mới có cơ hội gặp được Đức Phật ra đời, hiếm hoi lắm mới có cơ hội được sanh làm người, được gặp Giáo pháp, được làm người lành lặn có đầy đủ các căn, có niềm tin nơi Phật Bảo, Pháp Bảo, được xuất gia tỳ kheo và được cơ hội nghe giảng Pháp của các bậc Thánh, tất cả những điều này khó có thể gặp được lần thứ hai trong đời.” Đức Phật nhắc nhở các đệ tử của Ngài vào mỗi buổi sáng.
Chúng ta là người hết sức may mắn có được những cơ hội hiếm hoi trên, và lại là người được xuất gia nữa. Là một vị mới xuất gia hôm nay, hơn ai hết là người hiểu được ý nghĩa lời dạy trên của Đức Phật.
Tuy nhiên, làm thế nào để có được một cuộc sống thực sự có ý nghĩa và giá trị, đối với bậc xuất gia hoặc với một cư sĩ. Tôi xin hỏi, quý vị có mong muốn mình sống thực sự có giá trị không? Điều giá trị nhất của cuộc đời mình là gì? Làm thế nào để sống được như vậy? Tôi đã suy tư rất nhiều và xin được chia sẻ cùng quý vị. Thứ nhứt là thế nào là cuộc sống có giá trị ? Tôi liên hệ tới một số mặt trong cuộc sống, ví dụ có phải các mối quan hệ trong xã hội đều xuất phát từ con tim và tâm của mình hay không? Bởi vì cuộc sống đầy bon chen, tranh đua nhau trong một xã hội đầy phức tạp.Vì cuộc sống chúng ta làm tất cả mọi việc, có khi chúng ta làm kinh doanh, bác sĩ, làm công, hoặc một nghề nào đó. Chúng ta tự hỏi khi giao tiếp với mọi đối tượng bên ngoài, những người trong xã hội chúng ta có mở rộng lòng đối với họ chưa? Từ ngữ "Mở rộng con tim đối với người khác" có nghĩa như thế nào? Điều đó làm chúng ta suy nghĩ đến một khía cạnh, khi giao tiếp với nhau chúng ta chỉ mới dừng lại ở bên ngoài, nghĩa là, chỉ bằng mặt mà thôi, còn trong thâm tâm thì hoàn toàn khác hẳn, chúng ta không có sự chân thật hay chiều sâu của một tâm từ và một trái tim cởi mở.
Khi lợi nhuận xen vào giữa hai người thì tâm bắt đầu nảy sinh bản chất thực của nó là lòng đố kỵ, sự ganh ghét lẫn nhau. Trong mối quan hệ giao tiếp, nếu người nào không mang lợi lộc đến cho ta thì ta mau chóng quên họ, bởi vì ta không cần đến họ. Tôi nghĩ đây là bản chất của cuộc sống thời nay.Trong thế giới này tất cả mọi người đều sống với nhau theo kiểu như vậy có đúng không? Tôi nghĩ mọi người có nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Có phải vậy không? Vì vậy trong cuộc sống nếu chúng ta đối xử với nhau hằng ngày bằng sự chân thật, bằng lòng từ bi, thì đó là mối quan hệ mở rộng lòng, xuất phát từ con tim, từ người này đến người khác chứ không phải bằng mối quan hệ xã giao bên ngoài trong công việc làm ăn giao tiếp của một xã hội bon chen. Điều đó sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nếu như chúng ta biết giá trị cuộc sống này, đối xử với nhau bằng chính con tim và lòng từ của chính mình thì mối quan hệ giữa người và người sẽ khác đi rất nhiều và nó mang một ý nghĩa sâu sắc.
Vì vậy tôi mong rằng trong cuộc sống này chúng ta nên quan tâm, suy xét làm thế nào để ta có thể luôn gíúp đỡ người khác, giúp mọi người vượt qua những khó khăn, những hiểm nghèo, thậm chí giúp họ vượt qua được bệnh tật với tấm lòng từ, bi, hỷ, xả mà ta đã sống như thế hàng ngày. Thực hành như vậy chúng ta sẽ nhân lên rất nhiều giá trị cuộc sống của mình. Nếu mỗi ngày chúng ta sống, làm việc và trong mọi quan hệ với tất cả lòng Từ,Bi,Hỷ,Xả, vô lượng, chúng ta sẽ giúp đỡ rất nhiều người, làm cho cuộc sống ngày càng giá trị hơn trong mọi mặt Tôi không dám bào đảm quý vị sẽ trở nên giàu có, nếu thực hành lòng từ ái như tôi vừa nói, nhưng tôi dám chắc một điều nếu như chúng ta thực hành Tứ vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, chúng ta sẽ có được một sự tự tin rất vững vàng trong cuộc sống của mình. Quý vị nghĩ như thế nào, trong cuộc sống của mình sự giàu có hay lòng tự tin, điều nào có giá trị hơn? Chúng ta có thể chọn bất cứ điều nào chúng ta muốn. Trong cuộc sống chúng ta muốn thành công hay bất cứ điều nào tốt đến với mình thì chúng ta phải luôn đối xử với nhau bằng từ tâm, thực hành từ bi, hỷ, xả trong các mối quan hệ, trong giao tiếp trong công việc cũng đều dựa trên sự rộng mở của con tim thì chúng ta sẽ có một giá trị cao nhất trong cuộc sống của mình.Tương tự như vậy, trong cuộc sống chúng ta phải luôn phát triển không những lòng từ mà còn cả lòng bi, hỷ, xả trong mọi mặt sẽ làm cho cuộc sống có giá trị và chúng ta sẽ thấy ra nhiều lợi lạc trong cuộc sống của chính mình.
Tôi cũng đang suy nghĩ về cụm từ “Sự thông biết lẫn nhau”. Quý vị nghĩ như thế nào về cụm từ này? Hằng ngày đối với tâm ô nhiễm, mặc dầu chúng ta cố gắng để tìm hiểu lẫn nhau nhưng chúng ta lại quên hẳn đi một điều. Đó là chúng ta chỉ lo tìm hiểu người khác mà quên tìm hiểu chính mình. Mọi người đều luôn khao khát tìm hiểu người khác và luôn khao khát mong muốn người khác đánh giá cao mình, nhận định về mình là con người như thế nào, nhưng hoàn toàn chúng ta quên hẳn đi con người mình và mình cũng chưa quay lại khám phá chính mình. Đó không phải là cách hay nhất khi chúng ta tìm đến sự thông hiểu. Chúng ta phải suy nghĩ về sự tìm hiểu, sự cảm thông của người khác là giá trị nhất, hay là chúng ta phải thông hiểu chính bản thân mình. Cái nào có giá trị hơn, cái nào là tốt nhất. Nếu như trong cuộc sống, chúng ta chỉ hướng ra phía ngoài để mong người khác hiểu, thông cảm với mình nhưng lại quên đi sự cảm thông cho chính bản thân mình thì cuộc sống này chẳng khác nào một hòn đá. Nếu không có trí tuệ trái tim của chúng ta biến thành đá. Không bao giờ chúng ta có thể đạt được sự hài lòng trong cuộc sống của chính mình. Tâm của chúng ta không thể nào trưởng thành để hiểu hết những điều đó. Nếu như trong cuộc sống chúng ta không biết tìm tòi, biết tự khám phá mình để hiểu mình một cách rõ ràng trọn vẹn thì trong công việc cũng như trong giao tiếp hay trong mọi mặt của cuộc sống chúng ta không thể nào có được sự sâu sắc, giúp cho tâm chúng ta trưởng thành, hiểu biết và chính chắn.
Tâm đổi thay khó kiểm,
Vun vút theo dục trần,
Lành thay điều phục tâm,
Điều tâm thì an lạc.
(Kinh Pháp Cú Số 35)
Nếu chúng ta thực sự khám phá và hiểu được trọn vẹn bản thân mình một cách đầy đủ, chúng ta sẽ tiến sang bước thứ hai là hiểu được người khác một cách đầy đủ và trọn vẹn. Ý nghĩa ở đây là nếu như trong cuộc sống chúng ta không thể đọc tâm mình một cách thiện xảo, thì chắc chắn ta không thể đọc được tâm người khác.
Khi chúng ta làm việc hay trong giao tiếp trong cộng đồng, nếu chúng ta biết sử dụng trí tuệ tác ý chân chánh để hiểu thấu vấn đề.Tác ý chân chánh chính là một công cụ vô cùng hiệu quả của trí tuệ để giúp mình và mọi người thực hành cách ứng xử theo Pháp. Vì vậy, chúng ta dễ dàng rộng mỡ với cộng đồng chung quanh và thông hiểu được người khác dễ dàng. Nó sẽ giúp cho chúng ta có đủ nội lực đối diện với mọi tình huống khó khăn và thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh dễ dàng.
Khi chúng ta giúp đỡ người khác mà không mong muốn sự đền đáp. Với trái tim rộng mở, chúng ta phát triển các yếu tố như lòng từ, lòng bi, biết thương yêu, thương xót người khác, vể Hỷ, biết Tuỳ Hỷ vui với thành công của người khác, về Xả tứ tức là Tâm Xả trước mọi vui buồn.Nếu chúng ta biết chú trọng đến những yếu tố này, chúng ta sẽ gặt hái được lợi lạc rất nhiều. Khi chúng ta hành xử trong cuộc sống, trong công việc, trong mọi quan hệ, chúng ta sẽ tạo được nhiều ba-la-mật vì làm những điều thiện với con tim rộng mở với bốn yếu tố Từ, Bi, Hỷ và Xả.
Đó là cách tôi suy nghĩ, làm sao cho chúng ta có cách sống tốt nhất trong cuộc đời này. Nhớ về Đức Bồ tát của chúng ta, Ngài đã trải qua 4 A- tăng- kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, trong các kiếp này, kiếp nào Ngài trải qua, Ngài đều sử dụng những tâm từ, phát triển những nghiệp thiện để qua đó Ngài tạo ra giá trị tốt nhất ngay trong cuộc sống của kiếp đó. Ý nghĩa việc làm này chính là tạo dựng, phát triển ba-la-mật trong các kiếp quá khứ trước khi Ngài thành đạo chứng đắc Đạo & Quả thảnh Chánh Đẳng Chánh Giác. Chính nhờ vậy mà bây giờ tất cả chúng sanh ở đây đều luôn luôn tôn kính Ngài và đãnh lễ Ngài cho đến ngày hôm nay. Vì vậy khi chúng ta luôn hướng về Đức Phật và đảnh lễ, khi đó chúng ta phải luôn nhớ một điều và hiểu thấu Ngài đã trải qua các kiếp và luôn luôn làm những việc có giá trị nhất trong cuộc đời của mình, thì chúng ta cũng phải tự nhủ rằng mình phải luôn học tập và noi theo gương của Ngài để làm cho cuộc sống của mình có giá trị cao nhất như Đức Phật đã từng làm.
Tôi cầu chúc cho quý vị một năm mới thực hiện được nhiều điều giá trị nhất trong cuộc sống của mình.
Tôi xin dừng lời tại đây.
Thiền sư : U Dhammapala
Chuyển ngữ : Cô Viên Hương
Chuyển ra văn bản : Tu nữ Santacitta